Non sông Việt Nam đã thu về một mối đến nay đã 43 năm. Trong tâm khảm của Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu 1, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) vẫn không quên kí ức của những năm tháng hào hùng đó.
Ông là một trong những nhân chứng lịch sử có mặt trực tiếp tại Dinh Độc Lập (TP HCM) vào trưa 30/4/1975. Ông cùng đồng đội của mình đã áp giải Tổng thống Dương Văn Minh của chế độ Việt Nam Cộng Hòa tới Đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu 1. (Ảnh: Đình Tuệ) |
Nhân dịp kỉ niệm 43 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã có những chia sẻ với chúng tôi về kí ức năm xưa và lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ.
- Thưa Trung tướng, 43 năm đã trôi qua nhưng kí ức về một thời chiến đấu hào hùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong ông hiện nay ra sao?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Hàng năm cứ đến dịp này, tôi và nhiều đồng đội của mình đều thấy rất bồi hồi, xúc động khi nhớ về kí ức hào hùng những ngày tháng đó. Bản thân tôi may mắn được tham gia cuộc chiến và chứng kiến thời khắc lịch sử thì rất xúc động. Vui là mình còn may mắn sống sót trở về với gia đình, nhưng trong tâm trí vẫn rất nhớ các đồng chí, đồng đội của mình.
Với cuộc đời binh nghiệp, quá khứ về những năm tháng chiến đấu vì màu cờ, vì độc lập tự do cho Tổ quốc của anh em chiến sĩ chúng tôi chính là lẽ sống. Lý tưởng của Đảng, Bác Hồ và ước vọng hòa bình, thống nhất của nhân dân đã ngấm sâu vào máu thịt của anh em chiến sĩ. Tất cả đều chiến đấu với tinh thần quyết chiến quyết thắng cao nhất, để đi đến thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần đưa đất nước bước sang một trang sử mới của độc lập, thống nhất.
- Ông có thể kể lại thời khắc lịch sử khi Quân Giải phóng tiến vào nội đô Sài Gòn trưa 30/4/1975?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đêm 29/4, chúng tôi đang chiến đấu tại một căn cứ cách Sài Gòn khoảng 40km thì được Ban Chỉ huy Trung đoàn và Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ cho tôi đi đầu đội hình để chỉ huy lực lượng của Trung đoàn 66, đi cùng Lữ đoàn xe tăng tiến về hướng Sài Gòn. Mục tiêu là vào nội đô thành phố Sài Gòn để chiếm giữ Dinh độc lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân.
Bản thân mình lúc đó cũng không biết nội các của chính quyền Sài Gòn còn ở trong Dinh Độc Lập. Mục đích là địch ở trong đó nếu chống cự thì triển khai đội hình chiến đấu, họ không chống cự thì vào chiếm lại và cắm cờ lên nóc dinh. Khi chúng tôi đi từ cầu Thị Nghè về đến Dinh Độc lập, ở đường nhân dân chưa có ai ra, chỉ có xe của quân Giải phóng ầm ầm đi vào. Khi chiếc xe tăng đầu tiên mở được cánh cổng ra, trong khoảnh khắc khoảng 10 - 15 phút, tất cả các loại xe cộ cũng như nhân dân, bộ đội, chiến sĩ của chúng ta ào vào. Lúc tôi bước xuống khỏi xe Jeep, các nhà báo ở đó rất đông, họ chỉ cho chúng tôi lên trên chỗ nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ.
- Vậy khi vào bên trong Dinh Độc Lập và gặp toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, ông và các đồng đội có gặp khó khăn hay cản trở nào từ phía địch?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Vào tới nơi và gặp nội các địch với tư thế sẵn sàng chiến đấu, người đầu tiên tôi gặp là ông Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông này cho biết toàn bộ nội các chính quyền của ông Minh đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc. Lúc này tôi mới biết là nội các địch còn ở đây, tâm trạng bất ngờ, cũng có phút giây lo lắng.
Trong phòng họp rất rộng có khoảng 40 - 50 người ngồi trong. Tổng thống Dương Văn Minh bước ra và nói: “Chúng tôi biết Quân Giải phóng tiến công vào nội đô, đang chờ Quân Giải phóng vào bàn giao”. Lúc này thì tôi không nghĩ đến chuyện bàn giao như thế nào. Tôi chỉ nói: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả”.
Trong khi đó, ở phía bên ngoài, tiếng súng nổ rất dữ dội, nhưng thực tế đó là âm thanh mừng chiến thắng của nhân dân và chiến sĩ. Khi được yêu cầu ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, Dương Văn Minh lo sợ vì ở ngoài đường phố vẫn đang tiếp tục chiến đấu, tiếng súng đạn vẫn đang nổ đùng đùng, ra không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi được chúng tôi đảm bảo an toàn, chính Dương Văn Minh là người chỉ đường dẫn tới đài phát thanh.
Tại đó, chúng tôi đã ngồi thảo bản tuyên bố đầu hàng. Quá trình thảo, đọc và ghi âm lại bản thảo diễn ra chừng 40 - 50 phút. Trong quá trình ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, máy ghi âm của chúng ta (thu được trong một trận chiến ở Đà Nẵng) bị hỏng do rối băng nên phải nhờ một máy ghi âm của một nhà báo nước ngoài có mặt tại thời điểm đó để ghi. Sau khi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được phát đi và đại diện quân Giải phóng của chúng ta đọc lời chấp nhận lời đầu hàng, chúng tôi tiếp tục đưa Dương Văn Minh về Dinh Độc lập để chờ cấp trên vào bàn giao.
Bức ảnh chụp lúc Quân Giải phóng yêu cầu Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. (Ảnh: NVCC) |
- Có những ý kiến khác nhau về tác giả thực sự viết bản thảo lời đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng mà Tổng thống Dương Văn Minh đọc. Trung tướng có thể kể rõ hơn về chi tiết này được không?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Thực ra, ý kiến tranh luận về bản thảo này hơn 40 năm qua vẫn còn chưa ngã ngũ. Bản thảo này tôi là người chắp bút, anh em mỗi người thêm một câu để hoàn thiện, xong viết lại rồi đưa cho Dương Văn Minh đọc. Chữ tôi viết thì Dương Văn Minh không đọc được nên anh em viết lại một bản khác. Hai bản thảo đó tôi đút ở túi áo ngực nhưng sau này đã bị thất lạc. Chính trong một bức ảnh chụp thời điểm đó có ghi lại được hình ảnh tôi cầm tờ bản thảo này.
Tại Đài phát thanh Sài Gòn khi ấy, Trung tá Bùi Tùng - Chính ủy Lữ đoàn 203 mới đến. Thấy chúng tôi đang soạn bản thảo, ông có hỏi tôi là ai. Tôi trả lời và cho biết anh em đang soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thế là mỗi người một khâu, hoàn thiện xong thì chính ông Bùi Tùng là người thay mặt Quân Giải phóng đọc lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh.
- Ông có nhắn nhủ gì tới các thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay nhằm đưa đất nước tiến lên hội nhập với quốc tế?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, tôi muốn nhắn nhủ 3 việc cần làm: Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, giữ nước của các thế hệ cha ông và vận dụng vào cuộc sống hiện nay; tiếp tục học tập, trau dồi phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, kiến thức về khoa học; luôn trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ và những điều tốt đẹp của các thế hệ ông cha, của lịch sử dân tộc. Kết hợp được các yếu tố này thì sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp cùng toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước đi lên, hội nhập với thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Các sự kiện hay nhất hôm nay 30/4: Lễ hội diều và phiên chợ vùng cao
Hôm nay (30/4) tại Hà Nội diễn ra sự kiện ngày hội các ban nhạc 2018, phiên chợ vùng cao với chủ đề "Sơn La ... |