Man United đã thua Barca 0-1 ngay trên sân nhà ở trận lượt đi. Lịch sử chỉ ra rằng, cả 3 lần thua với tỷ số 0-1 ở trận lượt đi vòng knock-out Champions League, Quỷ đỏ sau đó đều bị loại. Họ thậm chí còn thua nốt cả trận lượt về. Đó là 3 thất bại trước Milan (mùa 2004/05), Bayern (2000/01) và Dortmund (1996/97).
Phong độ của Man United cũng không thuyết phục người hâm mộ tin vào một cuộc phản đòn chất lượng ở Nou Camp rạng sáng mai. Cách Quỷ đỏ chật vật thắng West Ham khiến khá nhiều người ngán ngẩm đặt câu hỏi: Đá thế này thì làm sao thắng nổi Barca?
Tuy nhiên, tại sao phải tuyệt vọng? Chúng ta hãy cứ mạnh dạn đặt niềm tin vào Man đỏ vì những lý do sau:
1. Barcelona không còn là “con ngáo ộp” ở Champions League
Chúng ta nên nhớ rằng, cả 3 mùa Champions League gần nhất, Barca đều bị loại ở tứ kết. Mùa trước, chẳng ai có thể tin nổi sau khi đã vùi dập Roma tới 4-1 ở trận lượt đi, Barca lại thua tan nát 0-3 trận lượt về để rồi bị loại. Roma năm ngoái so với Man United hiện tại còn kém hơn rất nhiều.
Mùa trước, Barca từng bị Roma lội ngược dòng sau khi đã thắng tới 4-1 ở trận lượt đi.
Man United vừa thắng nhọc nhằn West Ham 2-1 và bị vin vào trận đấu kém cỏi đó kết luận không có cơ hội ngược dòng trước Barca. Nhưng cũng đừng vội quên rằng, ở giải vô địch quốc gia, Barca cũng vừa bị đội bét bảng Huesca cầm hòa 0-0.
Trong mùa này, gã khổng lồ xứ Catalan cũng nhiều lần chơi những trận đấu vô cùng ngớ ngẩn và để thua những đối thủ rất yếu như Girona (ngay tại Nou Camp), Levante, Real Betis hay Leganes. Vào một ngày xấu trời, Barca có thể thua bất kỳ đội bóng nào.
2. Lionel Messi không biết ghi bàn ở tứ kết
Vũ khí lợi hại nhất của Barca dĩ nhiên là Lionel Messi. Nhưng siêu sao người Argentina có một cái dớp là không ghi nổi bàn thắng nào tại tứ kết Champions League suốt 6 năm qua (lần gần nhất Messi ghi bàn trong một trận tứ kết Champions League là pha lập công vào lưới PSG từ năm 2013).
Đóng góp của Messi cho Barcelona tại những trận đấu thuộc vòng knock-out cũng không quá ấn tượng. Chúng ta hãy làm nhanh phép so sánh: Hiệu suất ghi bàn của Messi tại Champions League là trung bình 0,88 bàn/trận, tại La Liga là 0,91 bàn/trận, tại cúp Nhà Vua là 0,7 bàn/trận.
Tuy nhiên, hiệu suất của M10 tại giai đoạn knock-out chỉ là 0,6 bàn/trận, thua xa Cristiano Ronaldo (0,81 bàn/trận). Con số chỉ ra, Messi ở vòng knock-out Champions League chính là M10 tệ nhất mà người hâm mộ được chứng kiến.
Messi đã 6 năm không ghi nổi bàn thắng nào ở các trận tứ kết Champions League. |
Messi không phải mẫu cầu thủ chịu áp lực tốt. Nếu đối phương đá rát và mạnh mẽ như cú vào bóng cảm tử của Chris Smalling trong trận lượt đi, Messi rất dễ bị tâm lý dẫn tới phong độ kém. Thực tế chứng minh, màn trình diễn của Messi trên sân Old Trafford là tương đối nhạt nhòa và vô hại. |
3. Solskjaer và cái duyên Nou Camp
Tròn 20 năm về trước, Man United tới Nou Camp chơi trận chung kết Champions League với Bayern Munich. Chính Ole Gunnar Solskjaer là người đã ghi một trong hai bàn thắng quyết định giúp Man United tạo nên cuộc lội ngược dòng vĩ đại nhất lịch sử giải đấu này.
Năm đó, Solskjaer cũng bị giới chuyên môn đánh giá thấp y hệt như thời điểm hiện tại. Dĩ nhiên rồi, chẳng ai lại đặt hy vọng vào một cầu thủ phải ngồi dự bị hơn 600 phút từ vòng bảng cho tới phút cuối trận chung kết mới được tung vào sân. Nhưng Solskjaer không cần tới những điểm số được giới chuyên môn ban phát. Anh lạnh lùng vào sân từ băng ghế dự bị và phần còn lại là lịch sử. Hôm nay, liệu kỳ tích đó có lặp lại?