Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: VGP).
Ngày 5/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông yếu kém của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết hệ thống giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn kìm hãm sự phát triển kinh tế của vùng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho biết đồng bằng sông Cửu Long với gần 20 triệu dân nhưng đường cao tốc chỉ có 40 km, thua xa các vùng trong cả nước.
"Kể cả Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công cũng không thấm vào đâu. Vậy, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này?", đại biểu Hòa đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang), khu vực đồng bằng sông Cửu Long có địa thế và điều kiện phù hợp để tổ chức sản xuất, xuất khẩu từ vùng này nhiều sản phẩm, từ nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin thậm chí điện tử...
"Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn còn đang là một trong những điểm nghẽn trong thu hút các nhà đầu tư đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long", đại biểu Bình nói.
"So với mặt bằng chung cả nước, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn kém phát triển về hạ tầng giao thông.
Tôi đề nghị Bộ trưởng có giải pháp cho trước mắt và lâu dài đối với tình trạng trên bờ kẹt xe, dưới sông kẹt tàu rất nghiêm trọng mà cả nước không nơi nào như vậy.
Với trách nhiệm của Bộ trưởng, Bộ trưởng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?", đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chất vấn.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng giao thông đường thủy là lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng thời gian qua chúng ta ít quan tâm, từ đó làm lãng phí một thế mạnh của vùng.
(Ảnh minh họa: Tuổi trẻ).
Trả lời các đại biểu về vấn đề hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng GTVT cho biết khu vực này được bố trí ngân sách tương đương với các vùng khác.
"Tuy nhiên, suất đầu tư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cao. Tất cả vùng này là đất yếu, khi làm đường, làm cầu, chúng ta phải gia cố rất tốn kém.
Nên về kinh phí tương đương các vùng khác nhưng do suất đầu tư cao nên chất lượng hạ tầng giao thông vùng này hiện đang thấp. Về 40 km đường cao tốc, chúng tôi rất trăn trở", ông Thể nói.
Theo vị này, đầu tư cao tốc ở TP HCM, miền Đông Nam Bộ hoặc vùng khác dễ hơn. Ông Thể cũng cho rằng muốn đầu tư cao tốc ở khu vực này thì cần nhà nước bố trí kinh phí.
Bởi theo Bộ trưởng GTVT, vì suất đầu tư cao, km đường ít, thu phí được ít, hoàn vốn khó nên doanh nghiệp sẽ không chọn khu vực này.
"Ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu bỏ đường hiện hữu mà làm tuyến đường mới thì phải đắp đất rất cao, làm rất nhiều cầu và mức đầu tư cao", Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, ông Thể cho cũng biết, trong qui hoạch sẽ xây dựng đường cao tốc từ Châu Đốc xuống Cần Thơ, xuống tới Sóc Trăng.
Đối với vấn đề đường thủy, Bộ trưởng Thể cho biết đồng bằng sông Cửu Long có 21 cảng và lớn nhất là cảng Cái Cui. Tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được tàu lớn nhất là 20.000 tấn.
"Để phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất cần có một cảng biển nước sâu ở khu vực này đồng thời có hệ thống giao thông kết nối.
Trong kế hoạch của Bộ, chúng tôi chuẩn bị trình Chính phủ qui hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng, tàu 100.000 tấn có thể vào khai thác.
Nhà đầu tư sẽ làm cầu từ trong bờ ra ngoài khoảng 10 km, sau đó mới làm cảng bên ngoài. Ở vị trí đó, nước sâu và không cần nạo vét. Nếu Chính phủ đồng ý, chúng ta sẽ huy động vốn thực hiện", ông Thể nói.
Trong phiên chất vấn ngày 5/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết nút thắt lớn nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long là liên kết với khu vực TP HCM, khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
"Chúng ta phải giải quyết nút thắt này. Nút thắt này thứ nhất, đường bộ đang giải quyết rồi, phải quyết liệt để đến năm 2020 cơ bản xong đường bộ cao tốc.
Thứ hai là đường thủy kênh Chợ Gạo. Thứ ba là đường sắt, nếu có điều kiện chúng ta đầu tư tiếp. Còn trong nội vùng thì báo cáo với các vị đại biểu chúng ta tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tới", Phó Thủ tướng nói thêm.