Sáng 15/11, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến cá dự án nghìn tỷ thua lỗ, quy trình xả lũ của các hồ thủy điện, dự án khai thác bô xít, quản lý phân bón...
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh chụp màn hình. |
Là người đầu tiên đặt câu hỏi, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) cho rằng khi báo cáo với quốc hội về nguyên nhân thua lỗ, yếu kém, kém hiệu quả của các dự án doanh nghiệp do nhà nước đầu tư, quản lý, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra rõ, không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật của nhà nước trong hoạt động quản trị cũng như là đầu tư.
"Theo tôi hiểu, báo cáo của Bộ trưởng cho thấy không chỉ có sai phạm trong công tác quản trị doanh nghiệp mà còn có sai phạm trong công tác quản lý điều hành hoạt động, đầu tư tại doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước. Tôi xin đề nghị bộ trưởng làm rõ hơn những sai phạm này, đâu là những điểm do quản trị tại doanh nghiệp mà xây dựng lên dự án kém hiệu quả, đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ trưởng có kiến nghị gì với Quốc hội, Chính phủ để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước, không để lặp lại tình trạng loay hoay như thời gian vừa qua?", Đại biểu Sinh chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết về xem xét xử lý trách nhiệm đối với 5 dự án thua lỗ ngàn tỷ (dự án Gang thép Thái Nguyên, sợi Đình Vũ, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy bột giấy Phương Nam) cần đặt trong các khung pháp lý ở từng giai đoạn cụ thể để đánh giá vai trò của các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, các đại biểu quốc hội và đồng bào cử tri còn mong muốn làm rõ hơn nữa những nguyên nhân những vấn đề tồn tại và đặc biệt là những vấn đề xử lý, khắc phục trong đó có cả những bài học kinh nghiệm để xem xét trách nhiệm để chúng ta tránh những tình trạng đó xảy ra trong tương lai. 5 dự án này được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện hoạt động đầu tư từ năm 2000, 2003 đến 2008 và kéo dài cho đến tận nay.
Trong từng lĩnh vực, dự án cụ thể, phải đi sâu vào phân tích và do tính chất dặc thù của ngành có nhiều tính chất của dự án có những diễn biến khác nhau và kéo dài qua nhiều thời kỳ, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu đánh giá chung vấn đề thì rất khó. Thậm chí dự án đạm Ninh Bình còn không những kéo dài trong quá trình đầu tư mà cho đến nay còn không quyết toán được đầu tư mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành.
Thêm nữa, có một điểm chung của tất cả các dự án này là đều rơi vào thời điểm có những biến động của thị trường thế giới. Đến khi kéo dài quá lâu, vượt quá thời hạn của chủ trương đầu tư và dự án được phê duyệt đầu tư dẫn đến thị trường thế giới tác động ảnh hưởng rất mạnh vào nội dung và cũng như việc thực hiện dự án mà cụ thể là thị trường nguyên nhiên liệu cũng như thị trường hàng hóa nói chung của thế giới càng có những biến động.
"Tôi lấy ví dụ, như dầu khí, các sản phẩm của dầu thô từ mức hơn 100 USD/1 thùng những lúc 140 USD/1 thùng của trước năm 2008 và đến bây giờ giữ ở mức thấp còn hơn 40 USD/1 thùng. Khi như vậy đã tác động đến thị trường thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính khả thi của dự án. Ví dụ như đạm Ninh Bình, sản xuất từ khí hóa than thì không thể cạnh tranh nổi từ các nhà máy đạm sản xuất từ khí hoặc như các dự án tơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm nhập ngoại mà đã được khấu hao và có giá thành rất thấp của các sản phẩm tơ sợi nhập ngoại", Bộ trưởng Công thương trần tình.
Theo Bộ trưởng, hiện tại, các dự án này đều đang được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các Bộ ngành liên quan thanh kiểm tra, đánh giá mức độ sai phạm. Về xử lý trách nhiệm, cần cẩn trọng và đánh giá theo các khuôn khổ pháp lý theo từng giai đoạn để đánh giá vai trò của các tổ chức và cá nhân. Đồng thời cũng cần làm rõ sự vô tình hay cố tình. Nếu cố ý làm sai sẽ bị xử lý, kể cả xem xét trách nhiệm hình sự.