Đồ họa: N.KH - V.THÁI |
Đồng thời, còn nhiều giải pháp khác như mở thêm đường ra vào sân bay, mở thêm cửa ngoài cửa độc nhất là đường Trường Sơn hiện nay, tính đến các dự án làm đường trên cao, monorail, cáp treo, metro...
Mở thêm cửa, mở thêm đường
Tháng 7-2017, hai cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất là cầu vượt Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (ngay cổng sân bay Tân Sơn Nhất, Q.Tân Bình) và giai đoạn 1 vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đã được đưa vào sử dụng. Thế nhưng đường Trường Sơn vào sân bay vẫn bị tắc.
Tương tự, cuối tháng 9-2017, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 khởi công mở rộng đường Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận). Thế nhưng tình trạng kẹt xe vẫn không giảm.
Theo các chuyên gia giao thông, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một cửa ra vào là đường Trường Sơn, hằng năm phải chuyên chở 30 triệu lượt hành khách, chưa kể một lượng lớn dân cư dù không ra vào sân bay nhưng "quá cảnh" con đường này, càng làm tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.
Để giải quyết kẹt xe trên các tuyến đường đến sân bay, Sở GTVT đã đưa ra 6 dự án xây dựng các công trình giao thông để giải cứu kẹt xe (xem đồ họa). Trong đó có 2 dự án hướng đến mở lối thoát thứ 2 cho sân bay này.
Hai dự án đó là dự án nâng cấp và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và dự án xây dựng đường nối từ Trần Quốc Hoàn đến Trường Chinh (còn gọi là đường song song với đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình).
Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Sở GTVT TP.HCM, dự kiến đầu tháng 11-2017 sẽ khởi công dự án nâng cấp và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dài 783,5m, rộng 22m cho bốn làn xe lưu thông với kinh phí đầu tư 254 tỉ đồng.
Một cửa mới của sân bay cũng được dự kiến mở ở đây (dự án số 5, đồ họa). Đây được coi là phương án cấp bách, khả thi giải quyết chuyện kẹt xe.
Đồng thời, TP đã cấp vốn triển khai nghiên cứu lập dự án làm đường song song với đường Cộng Hòa. Thế nhưng hiện nay việc nghiên cứu dự án này còn đang chờ phía quân đội làm thủ tục bàn giao khu đất (dự án số 6, đồ họa).
Đường Trường Sơn ra vào ga hàng không Tân Sơn Nhất khi bị kẹt, hành khách phải xuống ôtô, kéo hành lý chạy bộ vào ga - Ảnh: HẢI HIẾU |
Chờ tư vấn nước ngoài
Về đề nghị của UBND TP.HCM, Bộ Quốc phòng đã nhất trí giao khu đất hơn 1.800m2 do Bệnh viện 175 quản lý để xây dựng cầu vượt thép tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm.
Theo phê duyệt của Bộ tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - không quân, từ năm 2016, nhà ga lưỡng dụng T3 sẽ được xây dựng tại số 286 đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình. Đơn vị thực hiện là Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (VSA).
Cuối năm 2016, VSA khẳng định sẵn sàng khởi công nhà ga lưỡng dụng T3 bất cứ lúc nào. Đây cũng chính là điều kiện quan trọng để xây đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (nằm trong hệ thống đường Hoàng Hoa Thám mở rộng).
Tuy nhiên, cho đến nay nhà ga lưỡng dụng T3 vẫn chưa được khởi công vì phải chờ phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (mà Bộ GTVT đang được giao chọn tư vấn thiết kế nước ngoài, đến cuối tháng 10-2017).
Chính vì thế, dù Bộ Quốc phòng đã đồng ý giao đất để mở rộng đường Hoàng Hoa Thám nhưng chưa thể thực hiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí, phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân, khẳng định chủ trương của Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng là tiếp tục giao đất quốc phòng cho TP.HCM để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông để chống ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có đường Hoàng Hoa Thám mở rộng.
Tuy nhiên, thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí cũng cho biết: "Nhà ga T3 đang nằm trong quy hoạch tổng thể của phát triển giao thông được Thủ tướng phê duyệt và phải đợi có quyết định phê duyệt mới phát triển tiếp nhà ga".
Mở đường, trồng cây xanh
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, sở sẽ giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 nghiên cứu đề xuất việc sử dụng 7.400m2 đất trên đường Trường Chinh (P.15, Q.Tân Bình) - ở phía ngoài sân bay Tân Sơn Nhất - để mở rộng đường Trường Chinh và trồng cây xanh.
Phần diện tích trên vừa được Bộ Quốc phòng bàn giao UBND TP hôm 19-10 từ việc giải tỏa 50 kiôt và 3 cây xăng.
Một số đề xuất dự án đường trên cao, đường dưới đất, cáp treo vào nhà ga Tân Sơn Nhất - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
* PGS.TS Chu Công Minh (Đại học Bách khoa TP.HCM): Mở đường mới tốt hơn metro, monorail, cáp treo Tình trạng kẹt xe trên tuyến đường Trường Sơn không phải chỉ do xe vào sân bay mà còn lượng rất lớn xe "quá cảnh" của người dân từ Tân Bình, Gò Vấp. Thực tế cho thấy khi xây dựng cầu vượt từ đường Trường Sơn vào sân bay, có thời điểm trên cầu vượt ít xe nhưng dưới đường lại kẹt, chứng tỏ lượng xe "quá cảnh" có khả năng vượt nhiều so với lượng xe thật sự có nhu cầu vào sân bay. Vì vậy, nguyên tắc muốn giảm kẹt xe trên tuyến đường này thì phải giải quyết lượng xe "quá cảnh". Làm metro, monorail hay cáp treo chỉ giải quyết được một phần, cũng như giảm bớt một phần áp lực giao thông trên đường Trường Sơn mà thôi. Với những lý do trên, tôi nghiêng về phương án mở thêm tuyến đường mới, càng gần trục Trường Sơn càng tốt để giải quyết lượng xe "quá cảnh". Trong đó, việc mở rộng đường Hoàng Hoa Thám hay mở đường nối đường Trần Quốc Hoàn (song hành đường Cộng Hòa) là cần thiết và phù hợp với định hướng sắp tới sân bay Tân Sơn Nhất sẽ xây thêm nhà ga T3, T4 và mở thêm cửa vào sân bay gần khu vực đường Hoàng Hoa Thám. Việc mở đường càng thêm thuận lợi nếu đường dự kiến mở trùng với đất quốc phòng sẽ bàn giao cho TP. QUANG KHẢI - TUẤN PHÙNG ghi |
* Ông Đinh Việt Thắng (cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam): Đang chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài Tháng 6-2017, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT cho thuê tư vấn chuyên ngành của nước ngoài khảo sát, đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Vì vậy, phương án điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mà Bộ GTVT trình Thủ tướng vào tháng 5-2017 tạm gác lại, trong đó có phương án nhà ga lưỡng dụng T3 và nhà ga T4. Cục Hàng không đã gửi thư mời dịch vụ tư vấn kèm theo hồ sơ mời nhà thầu tư vấn chuyên ngành quốc tế thực hiện dự án trên cho 11 nhà thầu tư vấn gồm: Arup Group Limited, Atkins Global, Scott Brownrigg, Benoy Group (Vương quốc Anh), Parsons Corporation, Graham Associates Inc (Mỹ), Egis Avia, ADP Ingénierie (Pháp), Kume Sekkei Co.Ltd, Japan Airport Consultants Inc (Nhật Bản), Netherlands Airport Consultants, B.v. (Hà Lan). Dự kiến vào cuối tháng 10-2017, Cục Hàng không sẽ ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn. Sau đó tư vấn sẽ triển khai nghiên cứu, rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tân Sơn Nhất trong thời hạn từ tháng 10-2017 đến tháng 12-2017. QUANG KHẢI - TUẤN PHÙNG ghi |