Ngành giao thông sẽ đầu tư 27 dự án trong năm 2023

Riêng quý I/2023, theo kế hoạch khởi công 8 dự án và tính đến nay đã có 4 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục để khởi công.

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự kiến, ngành giao thông vận tải sẽ khởi công 27 dự án trong năm 2023; trong đó, có 5 dự án quan trọng quốc gia, 1 dự án nhóm A là cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 và 21 dự án nhóm B, C.

Riêng quý I/2023, theo kế hoạch khởi công 8 dự án và tính đến nay đã có 4 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục để khởi công.

Các dự án gồm: cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM; nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn Km15+270-Km89+700 (tỉnh Quảng Nam).

Ngoài ra, có 4 dự án còn lại chưa khởi công là: cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang do Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công (gói XL03), dự kiến hoàn thành và khởi công cuối tháng 3/2023.

Hai dự án bị chậm khởi công so với kế hoạch là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư. Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc do Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư.

Dự án đã được cơ quan chuyên môn hoàn thành thẩm định thiết kế, dự toán 2/2 gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, do công tác phê duyệt dự toán của chủ đầu tư chậm nên tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch.

Cũng theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, trong quý II/2023, dự kiến sẽ có 8 dự án được khởi công. Trong đó, có 5 dự án quan trọng quốc gia khởi công trước ngày 30/6 gồm: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Quý III/2023, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay, sẽ có 6 dự án được khởi công gồm: dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ - Giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, Nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ qua tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ; quốc lộ 14B qua TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, trong quý IV/2023 sẽ khởi công 5 dự án gồm: Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì (tỉnh Vĩnh Phúc).

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.

Tại cuộc họp trực tuyến liên quan đến tình hình triển khai thực hiện các dự án dự kiến khởi công trong năm 2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc các dự án giao thông được hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, các địa phương sẽ được hưởng lợi trực tiếp, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành cùng "cộng đồng trách nhiệm" với Bộ Giao thông Vận tải để triển khai.

"Dự án phân cấp cho địa phương nhưng Bộ Giao thông Vận tải sẽ vẫn song hành, vào cuộc như dự án phụ trách trực tiếp. Các địa phương với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần bám vào quy chế phối hợp để triển khai thực hiện. Các Ban quản lý dự án, Vụ, Cục phải chủ động tương tác, trao đổi cụ thể với địa phương, đẩy nhanh công tác thẩm định. Không ngồi chờ hồ sơ trình đến nơi mới phản hồi, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, làm chậm các bước tiếp theo", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu thi công các dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị các địa phương được giao làm cơ quan có thẩm quyền các dự án trọng điểm quốc gia cần thực hiện nghiệm chỉ đạo của Thủ tướng, không chia nhỏ gói thầu.

Công tác lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo chặt chẽ, công khai và rộng rãi như Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai.

"Thi công đường cao tốc có quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều các công trình đường bộ khác, nhà thầu được lựa chọn phải rất chuyên nghiệp, có uy tín, đủ năng lực, nhân lực, thiết bị, tránh tình trạng giao thầu cho một số doanh nghiệp xây lắp thông thường, chưa bao giờ thi công đường cao tốc, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng dự án", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.