Chấn động thị trường tài chính
Sau thông tin này, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán và ngân hàng ngay lập tức lao dốc mạnh, đồng thời, “kích hoạt” hoạt động bán tháo trên khắp các nhóm cổ phiếu còn lại khiến các điện tử chuyển sang một màu xanh xám với một loạt mã giảm sàn.
Ảnh minh họa. |
Chỉ sau hai phiên sau thông tin bầu Kiên bị bắt, chỉ số VN-Index giảm tổng cộng 27,05 điểm, tương đương mức giảm gần 6,2%, còn HNX-Index cũng mất 6 điểm, tương đương mức giảm gần 8,5%.
Thống kê cũng cho thấy, chỉ sau 2 ngày thị trường chứng khoán niêm yết của Việt Nam “bốc hơi” trên 49.200 tỷ đồng, tương đương trên 2,3 tỷ USD.
Trong khi đó, cổ phiếu ACB cũng giảm trên 13% sau 2 phiên, xuống còn 22.500 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 22/8. Bên cạnh đó, giá trị vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” gần 3.200 tỷ đồng (152 triệu USD).
Sóng gió liên tiếp ập đến ACB sau đó khi ông Lý Xuân Hải – nguyên Tổng giám đốc, ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT cùng ba Phó Chủ tịch HĐQT lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố.
ACB từ vị thế của một trong những ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất Việt Nam đã trở nên “loạng choạng”. Tổng tài sản của ngân hàng lập tức “bốc hơi” tới hơn 31%, từ mức hơn 255,9 nghìn tỷ đồng hồi tháng 6/2012 xuống còn 176,3 nghìn tỷ đồng lúc kết thúc năm. Riêng trong quý IV/2012, ngân hàng bất ngờ báo lỗ sau thuế hơn 158 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 1,3 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2012, ACB lãi 784 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 3.207 tỷ của năm 2011. Trong cả năm 2012, hầu hết các khoản doanh thu của ngân hàng đều giảm, trong đó, đáng chú ý là hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ tới 1.863 tỷ đồng, tăng lỗ 11,6 lần so với năm 2011. Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tất toán và chấm dứt huy động vàng từ khách hàng.
Cũng trong năm 2012, con số nợ xấu của nhà băng gia tăng đột biến, từ mức 918 tỷ đồng, lên 2.570 tỷ đồng, tương đương mức tăng 2,8 lần. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 3,9 lần so với đầu năm, lên 1.150 tỷ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp đôi trong khi nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 2,7 lần. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2012 của ngân hàng ở mức 2,5%/tổng dư nợ, so với mức chỉ 0,89% hồi đầu năm.
Việc bầu Kiên bị bắt không chỉ làm ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động, uy tín của ACB mà còn để lại một khoản nợ không hề nhỏ tại ngân hàng.
Theo BCTC đã được kiểm toán của ngân hàng tại thời điểm 31/12/2012, ACB đã cho 6 công ty của bầu Kiên vay hơn 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra, ACB cũng còn số dư đầu tư vào chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn và khoản phải thu khác với các công ty này là 2.450 tỷ đồng và các khoản phải thu khác từ cho vay khách hàng gần 1.167 tỷ đồng. Khoản lãi phải thu từ trái phiếu do 3 công ty thuộc Nhóm 6 công ty phát hành, tổng cộng 287 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng dư nợ từ các khoản cho vay liên quan đến nhóm 6 công ty của bầu Kiên là 7.415 tỷ đồng.
ACB “vượt bão” ra sao?
Sau khi phần lớn Ban lãnh đạo cũ vào vòng lao lý, ACB đón nhận sự trở lại của gia đình ông Trần Mộng Hùng và từng bước thoát khỏi “cơn bão”.
Theo đó, tính đến tháng 6/2017, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt hơn 265,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm và tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm sau khủng hoảng.
Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng có sự tăng trưởng khá tốt với thu nhập lãi thuần đạt 3.927 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 27,6%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 26,3%,…
Theo đó, dù chi phí hoạt động trong kỳ tăng 43,5%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 2,6 lần, kết thúc 6 tháng đầu năm, ngân hàng vẫn ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 1.262 tỷ đồng, tăng 52% và hoàn thành 57,2% kế hoạch lợi nhuận năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 1,1% trên tổng dư nợ.
Trong nửa đầu năm, ACB cũng đã tăng vốn điều lệ từ 9.376 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Liên quan đến nợ của nhóm 6 công ty, trong năm 2016, ACB đã xử lý được 3.000 tỷ đồng nợ xấu nhóm này, vượt xa kế hoạch đặt ra đầu năm là 2.200 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, số dư nợ nhóm 6 công ty giảm xuống còn 3.934 tỷ đồng, với số dư dự phòng cho nhóm này là 2.432 tỷ đồng (chiếm 61,8% tổng dư nợ) với giá trị tài sản đảm bảo là 4.462 tỷ đồng (bằng 113% tổng dư nợ). Theo đó, ngân hàng đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ lên 1 năm và dự kiến hoàn thành toàn bộ việc nợ cho 6 công ty trong năm 2017.
Còn theo báo cáo soát xét năm 2017 của ngân hàng, số dư nợ vay nhóm 6 công ty đến 30/6 còn 3.527 tỷ đồng, tổng trích lập dự phòng đạt 2.967 tỷ đồng, trong khi giá trị tài sản đảm bảo đạt 3.576 tỷ đồng.