ĐHĐCĐ ACB: Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 9,7%, duy trì cho vay BĐS ở mức thấp

Sáng nay (ngày 13/4), Ngân hàng TMCP Á Châu đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, qua đó thông qua các nội dung về kế hoạch hoạt động năm nay và bầu Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Quang cảnh kỳ họp. (Ảnh: HM).

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 9,7%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%

HĐQT ACB cho rằng, định hướng hoạt động trong năm nay của ngân hàng sẽ là tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng trưởng nguồn vốn theo hướng cân đối với tăng trưởng tín dụng. 

Theo đó, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quy mô tổng tài sản cũng dự kiến mở rộng 10% so với năm 2022, đạt 668.788 tỷ đồng. Mục tiêu huy động vốn (tiền gửi, bao gồm giấy tờ có giá) ước đạt lần lượt 495.411 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022. 

Dư nợ cho vay cũng ước đạt 453.836 tỷ đồng, tăng 9,7%. ACB cho biết, con số này theo hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp ngày 24/2. Mức tăng thực tế trong năm sẽ điều chỉnh tương ứng khi được NHNN cấp bổ sung. 

Ngân hàng cũng đạt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, trong khi tại thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ này duy trì dưới 1%. 

Năm nay, ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Đối với kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ phát hành hơn 506 triệu cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong quý III/2023. 

Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng và Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng, với tỷ lệ sở hữu 6,92% vốn điều lệ.  

Cựu lãnh đạo Eximbank gia nhập HĐQT ACB

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, HĐQT ACB sẽ có 9 thành viên, bao gồm 6 thành viên từ nhiệm kỳ cũ là ông Trần Hùng Huy, ông Nguyễn Thành Long, bà Đinh Thị Hoa, ông Hiep Van Vo, bà Đặng Thu Thủy, ông Đàm Văn Tuấn. 

Ba thành viên mới bao gồm ông Đỗ Minh Toàn (Chủ tịch Chứng khoán ACBS, nguyên Tổng Giám đốc ACB), ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Tổng Giám đốc ACB) và ông Trịnh Bảo Quốc (Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn KCN Việt Nam).

Trong đó, ông Quốc từng đảm nhiệm chức vụ Thành viên Ban Kiểm soát (không chuyên trách) của Eximbank trong giai đoạn từ tháng 12/2015 đến tháng 2 vừa qua. 

Đối với Ban Kiểm soát ACB, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vẫn sẽ bao gồm ba thành viên trước đó là ông Huỳnh Nghĩa Hiệp (trưởng ban), bà Nguyễn Thị  Minh Lan và bà Hoàng Ngân (thành viên chuyên trách).

Thảo luận:

 Cổ đông đặt câu hỏi trong phần thảo luận. (Ảnh: HM).

Kết quả kinh doanh quý I/2023:

=> Tổng Giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát cho biết, kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 5.120 tỷ đồng, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ, đạt 26% so với kế hoạch năm, tự tin hoàn thành kế hoạch cả năm.

Tăng trưởng tín dụng giảm 0,6%, ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của nền kinh tế. Song, trong tháng 3, tăng trưởng tín dụng tăng 2,2% so với tháng 2, hồi phục so với hai tháng đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu đang duy trì thấp hơn 1%.

Quy mô tín dụng năm nay tăng trưởng khó khăn. Cơ cấu cho vay của ACB có 65% cho vay khách hàng cá nhân, 30% là khách hàng SME và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong các quý sau. 

Nói rõ hơn về vấn đề trái phiếu:

=> Ông Phát khẳng định không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Khoản đầu tư trái phiếu có 85% đầu tư trái phiếu Chính phủ, còn lại đầu tư vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng lớn, danh mục lành mạnh. Năm 2023, ngân hàng sẽ tiếp tục không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trừ trái phiếu các tổ chức tín dụng.

Tỷ lệ nợ xấu, cho vay bất động sản là bao nhiêu? 

=> Lãnh đạo ACB cho biết, tình hình nợ xấu ngành ngân hàng thời gian qua không có nhiều bước chuyển khả quan. Đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của ACB là khoảng 0,94%. Ngân hàng cũng sẽ quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ xấu, có niềm tin kiểm soát nợ xấu dưới 1%. 

Về cho vay bất động sản, tỷ lệ của ACB là 24%. Trong đó, 82% là cho vay người mua nhà để ở, còn lại các doanh nghiệp vay trong nhiều lĩnh vực, riêng đối với lĩnh vực đầu tư dự án là dưới 1%.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đến từ đâu?

=> Theo đại diện ACB, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 17% đến từ động lực tăng trưởng phí dịch vụ, đa dạng nguồn vốn, tiết giảm chi phí vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có khoản hoàn nhập trích lập dự phòng liên quan đến Covid-19 và thu hồi khoản tồn tại từ nhiều năm trước. 

Một trong những nguồn thu lớn của ACB trong năm nay đến từ thẻ ACB khi các mảng khác kinh doanh khó khăn. Quý I tăng 78% (thẻ quốc tế) so với tăng trưởng toàn ngành là 34%, chiếm thị phần 8,1% thị phần thẻ quốc tế.

Hoạt động M&A các ngân hàng khác:

=> ACB đánh giá chưa có ngân hàng phù hợp để thực hiện M&A, sẽ tiếp tục theo dõi, có cơ hội sẽ mua lại. Trọng tâm hoạt động của ngân hàng sắp tới vẫn là các hoạt động trong nước, chưa có kế hoạch mở chi nhánh ở nước ngoài. 

Chiến lược của ACB trong 3 năm tới:

=> Các chiến lược bao gồm tập trung phát triển khách hàng phù hợp phân khúc định vị; xây dựng ngân hàng số, số hóa toàn bộ dịch vụ; tối ưu nguồn lực phù hợp tình hình vĩ mô.   

ACB cũng cho biết sẽ liên kết với các hệ sinh thái số để đa dạng danh mục khách hàng, trước mắt đã đàm phán được với Momo. Ngoài ra, sắp tới, ACB sẽ công bố các kênh phân phối tự động. 

Tăng trưởng mảng tín dụng doanh nghiệp:

=> Ngân hàng khẳng định sẽ kiên định phát triển doanh nghiệp SME, nhưng bổ sung doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp, khai thác sâu hệ sinh thái các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng số, đặc biệt đẩy mạnh ngân hàng số liên quan đến mảng doanh nghiệp do đã đi khá nhanh trong thời gian qua. 

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.