Ông Nguyễn Minh Hùng (bìa phải) - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma - và các bị cáo tại phiên tòa vào tháng 8/2017. (Ảnh: T.L).
VN Pharma còn sử dụng thủ đoạn tương tự, làm giấy tờ giả để nhập 10 loại thuốc khác. Ai phải chịu trách nhiệm về việc "con voi lọt lưới" này?
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), kết quả xác minh cho thấy từ ngày 30/12/2013 (thời điểm thuốc H-Capita được cấp phép nhập khẩu) đến 31/12/2014, có 9.300 hộp thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma đã nhập về. Số thuốc này bị bắt giữ, niêm phong trước khi đưa vào lưu hành.
Các cơ quan chức năng tại cả Việt Nam lẫn Ấn Độ đều xác định lô thuốc 9.300 hộp H-Capita mà VN Pharma làm thủ tục nhập khẩu về Việt Nam do Nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ sản xuất ngày 5/3/2014.
Phiếu kiểm tra xuất xưởng xác định lô thuốc đạt các tiêu chuẩn sản xuất, trong đó hàm lượng hoạt chất chính Capecitabine đạt 99,54%, hàm lượng tạp chất không định danh 0,048%.
Số thuốc trên đi lòng vòng trước khi vào Việt Nam. Cụ thể, Công ty Affy Parenterals bán cho một công ty khác tại Ấn Độ, tiếp đó lô thuốc được bán lại cho VN Pharma thông qua công ty lấy tên là Helix Pharmaceuticals Inc. (địa chỉ tại Canada), vận chuyển đến Singapore rồi về sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) và được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Sau khi có "hàng" trong tay, VN Pharma đã "làm xiếc" các loại giấy tờ để tham gia đấu thầu và trúng thầu tại nhiều bệnh viện ở TP HCM. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy không có Công ty Helix Pharmaceuticals và nội dung hợp pháp hóa lãnh sự trên giấy tờ của công ty này là giả mạo. Công ty Helix thực chất là "công ty ma", được "vẽ" ra để hợp thức hóa việc thuốc Ấn Độ "đội lốt" Canada.
Theo cơ quan thanh tra, không chỉ thuốc H-Capita mà còn 9 loại thuốc khác bị làm giấy tờ giả để nhập về Việt Nam, và đều được Cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện là giả mạo. Theo TTCP, các thành viên tổ chuyên gia thẩm định của Cục Quản lí dược, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về những sai sót, khuyết điểm này; Cục Quản lí dược và các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm trực tiếp về những thiếu sót, vi phạm.
TTCP kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lí dược và Vụ Kế hoạch - tài chính tổ chức kiểm điểm và có biện pháp xử lí đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng kí đối với 10 loại thuốc, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014. Đồng thời có biện pháp xử lí đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg caplet vào Việt Nam.
Theo TTCP, các giấy tờ, tài liệu bị làm giả đã "lọt lưới" tổ thẩm định, các thành viên tổ chuyên gia thẩm định phải chịu trách nhiệm về những sai sót, vi phạm trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix.
Theo kết luận của TTCP, Bộ Y tế ban hành thông tư 22 bất cập, nội dung chưa đầy đủ. Đây là sơ hở, thiếu sót dẫn đến hồ sơ đăng kí thuốc (của VN Pharma) bị làm giả nhưng không bị phát hiện.
Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lí dược thời điểm 2009, 2011-2014 là các ông bà Nguyễn Quốc Triệu (bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm 2009), Nguyễn Thị Kim Tiến (bộ trưởng Bộ Y tế từ 2011 đến nay) và Trương Quốc Cường (hiện là thứ trưởng Bộ Y tế) thời điểm 2009 là cục trưởng Cục Quản lí dược.
Về trách nhiệm của tổ thẩm định đã để "lọt lưới" hồ sơ giả về Công ty Helix và các loại thuốc giả nguồn gốc xuất xứ, tổ trưởng tổ thẩm định khi đó là ông Nguyễn Tất Đạt - trưởng phòng quản lí kinh doanh dược. Hiện ông Đạt là phó cục trưởng Cục Quản lí dược.
Tuy nhiên, vấn đề còn ở chỗ VN Pharma đã làm bao nhiêu hồ sơ để nhập khẩu thuốc giả mạo nguồn gốc xuất xứ? Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, quyết định 522/2014 của Cục Quản lí dược đã rút số đăng kí của 7 loại thuốc cùng do VN Pharma nhập khẩu, "công ty ma" Helix Canada sản xuất.
Ngoài ra, Cục Quản lí dược đã có 4 công văn cho phép nhập khẩu chuyến (cho 4 loại thuốc chưa có số đăng kí lưu hành). Trong kết luận của TTCP đã nêu rõ các loại thuốc này gồm H-Capita, H-Epra 40 và H- Lastapen 500mg, tuy nhiên hiện chưa tìm thấy loại thuốc Cục Quản lí dược cho phép VN Pharma nhập.
Ngày 19/9/2014, Cục Quản lí dược đã có văn bản gửi VN Pharma yêu cầu công ty ngừng nhập khẩu và lưu hành 4 loại thuốc nhập khẩu chuyến này. Đến ngày 12-11-2014, cục lại có văn bản gửi các sở y tế Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Đắk Lắk thông báo 7 loại thuốc có số đăng kí kể trên và 4 loại thuốc được cấp phép nhập khẩu chuyến của VN Pharma là không được phép lưu hành.
Như vậy, số thuốc giả mạo nguồn gốc xuất xứ mà VN Pharma nhập khẩu về (từ "công ty ma" Helix, Canada) là 11 loại thuốc, trong đó có 1 sản phẩm chưa được làm rõ tên thuốc.