Tối này 14/1, Báo VTC đưa tin theo thông tin ban đầu từ UBND huyện, chiều cùng ngày, khi một nhóm học sinh đang chơi tàu lượn tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) thì thiết bị xảy ra sự cố khiến một học sinh thiệt mạng, hai học sinh khác bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện.
TTXVN cho biết ngay trong sáng ngày 15/1, ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, cho biết đã tạm đình chỉ hoạt động khu du lịch Đảo Ngọc Xanh do để xảy ra sự cố khiến ba học sinh gặp nạn.
Trước đó, vào năm 2014, cũng tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh cũng xảy ra tai nạn khiến 6 học sinh nhập viện.
Theo tìm hiểu, khu du lịch Đảo Ngọc Xanh nằm cách Hà Nội 70km về hướng Tây Bắc, là một trong những khu du lịch trọng điểm của vùng đất Tổ.
Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh được xây dựng trên diện tích gần 65 ha bao gồm khu vui chơi giải trí cộng đồng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vật lý trị liệu, khu bể bơi, sân tennis, nhà hàng ẩm thực, sân khấu trình diễn nghệ thuật dân gian…
Dự án bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2013. Dự án do CTCP Ao Vua làm chủ đầu tư.
Về CTCP Ao Vua, theo giới thiệu trên website doanh nghiệp, đơn vị này được thành lập năm 1999 theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây để kinh doanh phục vụ khách du lịch tại thung lũng Ao Vua và có vốn nhà nước.
Năm 2006, CTCP Ao Vua đã mở rộng ngành nghề kinh doanh, tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,...
Tháng 12/2007, sau khi công ty đã mua hết số cổ phần của nhà nước, trở thành công ty cổ phần 100% là vốn góp của các cổ đông và đổi tên như hiện nay.
Tháng 3/2008, CTCP Ao Vua đã ký hợp đồng nhận sáp nhập CTCP Du lịch Đầm Long, CTCP Vĩnh Hằng và CTCP Khai thác đá Ba Vì.
Sau đó thành lập các chi nhánh hoạt động trực thuộc công ty cổ phần Ao Vua trong đó có chi nhánh CTCP Ao Vua – Du lịch Ao Vua, chi nhánh Du lịch Đầm Long, Công viên Vĩnh Hằng. Tới tháng 11/2012, công ty đã thành lập thêm chi nhánh Du lịch Đảo Ngọc Xanh.
Nói thêm về chi nhánh Du lịch Đầm Long, đơn vị này có địa chỉ tại thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Dự án là một quần thể vui chơi đa dạng cùng với một khu rừng nguyên sinh với diện tích 17,5 ha.
Về chi nhánh Công viên Vĩnh Hằng có địa chỉ xã Vật Lại, huyện Ba Vì, đang quản lý 36,9 ha, trong đó có 4,52 ha đất thương phẩm dành cho nghĩa trang thành phố. Trong Công viên Vĩnh Hằng có Đài hóa thân Vĩnh Hằng hoạt động với công suất 6 lò đốt, đáp ứng tối đa 100 ca/ngày đêm.
Còn chi nhánh Du lịch Ao Vua ở Ba Vì thì theo thông tin trên website, khu du lịch Ao Vua đang quản lý 128,3 ha để hoạt động du lịch. Trong đó có 107,5ha rừng đặc dụng có độ cao trên 100m so với mực nước biển, 20,8ha rừng có độ cao dưới 100m so với mực nước biển.
Căn cứ số liệu Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 4/5/2019, CTCP Ao Vua đã tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng và đều là vốn tư nhân. Tới ngày 12/12/2019, công ty lại bất ngờ giảm vốn điều lệ về còn 350 tỷ đồng
Cơ cấu cổ đông của CTCP Ao Vua không được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng theo nguồn tin của chúng tôi thì ông Nguyễn Mạnh Thản (sinh năm 1955) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của công ty, nắm 98,43% vốn tại đây.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Thản còn là người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư và Du lịch Đầm Rưng, CTCP Dược liệu sạch Hà Nội.
Theo công bố thì CTCP Đầu tư và Du lịch Đầm Rưng được thành lập vào cuối tháng 10/2017 có trụ sở tại cụm công nghiệp Thổ Tang, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Công ty có hoạt động chính là kinh doanh khách sạn với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng.
Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Thản là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật, nắm 50% vốn tại Du lịch Đầm Rưng bên cạnh hai cá nhân khác là Nguyễn Văn Thăng và Đỗ Quý Dũng cùng sở hữu 25%.
Đầu tháng 7/2020, Du lịch Đầm Rưng tăng vốn thần tốc gấp 5 lần lên 1.000 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông vẫn được giữ nguyên.
Còn CTCP Dược liệu sạch Hà Nội cũng do ông Nguyễn Mạnh Thản làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật, mới thành lập ngày 11/9/2020. Công ty này đăng ký trụ sở tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội và có ngành nghề chính là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu.
Vốn điều lệ CTCP Dược liệu sạch Hà Nội khi thành lập là 100 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Mạnh Thản nắm 34% vốn cùng ba cá nhân khác là ông Nguyễn Vũ Hùng (10%), ông Trương Việt Bình (20%), ông Nguyễn Công (36%).
Cũng theo nguồn tin riêng thì ông Thản còn nắm khoảng 40% vốn của CTCP Trường Xuân Ba Vì. Đơn vị này thành lập năm 2012 với ngành nghề chính là trông cây gia vị, cây dược liệu. Công ty này có địa chỉ tại xóm 4 Trung tâm nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.
Về tình hình kinh doanh của CTCP Ao Vua, theo số liệu không hợp nhất của chúng tôi thì năm 2019, công ty đạt gần 107 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2018 nhưng lãi sau thuế tăng khoảng 9% lên gần 33 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản hết năm 2019 đạt 769 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 451 tỷ đồng.
Về phía CTCP Đầu tư và Du lịch Đầm Rưng do ông Thản nắm quyền chi phối dù thành lập gần cuối năm 2017 nhưng hết năm 2019, công ty vẫn chưa phát sinh doanh thu.