Ngồi "ghế nóng" Go-Viet được hơn 5 tháng, bà Lê Diệp Kiều Trang vừa chính thức thông tin khỏi vị trí CEO ứng dụng gọi xe công nghệ này.
Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, Go-Viet vốn được xem là "cánh tay nối dài" của ứng dụng gọi xe đình đám đến từ Indonesia là Go-Jek, đã 2 lần thay đổi CEO. Ngoài ra, một loạt nhân sự cấp cao của Go-Viet cũng đã thay đổi nhanh chóng thời gian qua, khi cuộc chiến với Grab tại thị trường gọi xe Việt Nam ngày càng căng thẳng.
Bất ngờ ghế CEO Go-Viet không có người đảm nhận chỉ sau vài ngày ứng dụng gọi xe này làm lễ kỉ niệm 1 năm sinh nhật hoành tráng, Go-Viet cho rằng "rất lấy làm tiếc" về sự ra đi của bà Lê Diệp Kiều Trang, sau khi công ty đã "nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên".
Ông Phùng Tuấn Đức (góc phải) là một trong các lãnh đạo đầu tiên của Go-Viet từ tháng 8/2019. (Ảnh: TechBike).
Dù cho biết hiện nay vị trí CEO của Go-Viet đang vẫn chưa có người thay thế, tuy nhiên, theo Nhadautu.vn, ban lãnh đạo của Tập đoàn mẹ là Go-Jek đã phân công ông Phùng Tuấn Đức tạm quyền điều hành Go-Viet trong thời gian này.
Ông Phùng Tuấn Đức là một trong những lãnh đạo cấp cao của Go-Viet kể từ khi ứng dụng này có mặt tại Việt Nam từ tháng 8/2019, cùng thời với 2 "sếp" Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh.
Ông Đức và bà Linh đã rời khỏi Go-Viet từ cuối tháng 3/2019.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ông Phùng Tuấn Đức giữ quyền CEO Go-Viet. Ở lần trước đó, ông Đức cũng đảm nhận vị trí trên trong vòng khoảng 1 tháng, khi ông Nguyễn Vũ Đức từ chức trước khi bà Lê Diệp Kiều Trang về làm CEO.
Ông Phùng Tuấn Đức là một trong số ít lãnh đạo cấp cao của Go-Viet vẫn còn "trụ" lại công ty kể từ khi thành lập đến nay. Trước đó, ông Đức là COO (Giám đốc vận hành) của Go-Viet.
Tại thời điểm thành lập, ông Phùng Tuấn Đức được biết đến là người trẻ tuổi nhất trong đội ngũ lãnh đạo Go-Viet nhưng có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, điều hành và phát triển các công ty trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử và bán lẻ.
Ông Phùng Tuấn Đức từng là Giám đốc mảng Online Groceries tại sàn thương mại điện tử Adayroi.com của Tập đoàn Vingroup.
Công việc của ông Đức tại sàn này là xây dựng hệ thống, quy trình và ứng dụng công nghệ vào việc xử lí đơn hàng, giúp Adayroi.com trở thành một trong số ít những trang thương mại điện tử trên thế giới kinh doanh thành công thực phẩm tươi sống ở quy mô lớn.
Tên tuổi của Phùng Tuấn Đức còn được biết đến khi giữ vai trò Giám đốc vận hành chuỗi Cộng Cà phê, phát triển thương hiệu này trong và ngoài nước. Hiện Cộng Cà phê cũng là chuỗi có tên tuổi hàng đầu trong ngành cà phê.
Trong khi nhiều lãnh đạo cấp cao cũ và mới của Go-Viet đều rời đi thì ông Phùng Tuấn Đức vẫn ở lại phát triển ứng dụng gọi xe này, và đang tiếp tục giữ vị trí quyền CEO, trước khi có người mới về ngồi "ghế nóng".
Cuối tháng 4/2019, một tháng sau khi ông Nguyễn Vũ Đức chia tay Go-Viet, bà Lê Diệp Kiều Trang - cựu CEO Facebook Việt Nam được bổ nhiệm vị trí CEO thay ông Đức.
Bà Lê Diệp Kiều Trang được Go-Viet kì vọng sẽ đem lại sự tăng trưởng tốt cho hãng tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: Go-Viet).
Bà Trang được kì vọng sẽ tạo ra một luồng gió mới và giúp hãng tăng trưởng tại thị trường Việt Nam, nơi "gã khổng lồ" Grab đã đi trước và đang giữ thị phần số 1. Kể từ khi giữ vị trí lãnh đạo Go-Viet, bà Trang thường xuyên đăng tin tìm kiếm nhân tài các mảng cho Go-Viet trên Facebook cá nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi có "nữ tướng" mới, hoạt động của Go-Viet tại thị trường Việt Nam cũng không có nhiều điểm sáng. Ứng dụng này tiếp tục giậm chân tại chỗ với 3 dịch vụ là gọi xe 2 bánh (GoBike), giao nhận thức ăn (Go-Food) và giao hàng (Go-Send).
Trong khi đó, Grab đi trước và tỏ ra một "siêu ứng dụng" với hàng loạt dịch vụ mới, như làm trung gian thanh toán hóa đơn, kết hợp giao hàng với các trang mại điện tử và nâng cấp cả dịch vụ giao thức ăn, khi hỗ trợ cửa hàng trang trí và sắp tới đây là hỗ trợ nhóm các hàng quán tạo một khu Foodcourt tại quận Thủ Đức.
Thậm chí, ứng dụng Be ra mắt sau nhưng ngoài các dịch vụ cơ bản, đã nhảy vào lĩnh vực tài chính như thanh toán, chương trình đổi điểm thưởng, khách hàng thân thiết và các dịch vụ tài chính khác.
Hàng trăm tài xế Go-Viet phản đối việc thay đổi chính sách thưởng của hãng hồi tháng 7/2019. (Ảnh: A.Khoa).
Không chỉ về mặt dịch vụ, thời gian qua, Go-Viet cũng được đánh giá phần nào đã "đuối sức" trong thị trường gọi xe công nghệ, sau khi tung hàng loạt khuyến mãi "khủng" gây chú ý khách hàng. Theo đó, số lượng khuyến mãi đến khách hàng không còn nhiều.
Nhưng hãng lại bắt đầu "gắt" hơn với tài xế. Giữa tháng 7, hàng trăm tài xế của ứng dụng này đã nhuộm đỏ nhiều tuyến đường tại TP HCM, phản đối chính sách cắt giảm tiền thưởng của Go-Viet.
Đây cũng được xem là lần "đình công" lớn nhất của Go-Viet từ trước đến nay, chỉ sau 3 tháng CEO Lê Diệp Kiều Trang về điều hành.
Đáng chú ý, khoảng 10 ngày trước khi bà Trang từ chức Go-Viet, ứng dụng này lại tiếp tục lùm xùm khi nữ diễn viên Kim Nhã lên tiếng "tố" một tài xế Go-Viet hành hung phải nhập viện.
Sau đó, phía Go-Viet khẳng định có xảy ra sự việc trên và đã khóa tài khoản của tài xế này.