Sau phiên biển, anh Phong và vợ ghé thăm tình hình sức khỏe bà Đoan - Ảnh: Đ.S.
Anh là Ngô Thanh Phong (43 tuổi, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), mấy nay ở biển mà ruột nóng ran khi vợ anh - chị Phạm Thị Thanh Lan (40 tuổi) - nói bà Đoan bị ốm.
Chiếc xe máy rồ ga vào đến đầu ngõ đã thấy bà Đoan mở cửa bước từ trong nhà ra. Bà Đoan bảo rằng đã quen thuộc với tiếng xe máy của vợ chồng anh Phong. Tiếng ho và hơi thở nặng nề được thay thế bằng nụ cười: "Chỉ cần thấy vợ chồng cháu Phong là tôi vui hẳn, quên mệt luôn".
Nhiều năm rồi, bà Đoan sống cô đơn trong căn nhà giữa cù lao Mỹ Tân. Tuổi cao, sức khỏe ngày một kém đi khiến cuộc sống của bà thêm túng quẫn. Cực nhất là những lần đau ốm, bà cầm cự bằng những liều thuốc giảm đau, hạ sốt. Cơn đau được cắt trong chốc lát rồi lại nặng thêm. Biết chuyện, vợ chồng anh Phong tìm đến giúp đỡ, đưa bà Đoan đi chữa trị.
"Những lần đau ốm, không có tiền chữa trị, từng vốc thuốc, bình dịch truyền của tôi đều từ tiền túi của vợ chồng cháu Phong. Không ai tốt với tôi như vợ chồng cháu Phong. Tôi có bất kỳ khó khăn gì vợ chồng nó cũng giúp. Mà đâu chỉ tôi, nhiều người già neo đơn trong làng cũng nhận như vậy" - bà Đoan tâm tình.
Gió thổi từ biển vào cù lao mát rượi, anh Phong nắm tay bà Đoan vỗ về: "Có bệnh thì nói cho tụi con biết để điều trị sớm, đừng có giấu nghen". Bà Đoan cười hiền lành tâm sự: "Bác không giấu đâu, mấy nay bác đỡ rồi". Đã chục năm qua, bà Đoan đã quen với sự hiện diện của vợ chồng anh Phong. Đó là nơi bà nghĩ đến mỗi lần gặp khó khăn.
Anh Phong nhớ nhất là phiên biển khoảng 6 năm trước, đang câu mực ở quần đảo Trường Sa thì vợ điện đàm qua icom bảo rằng bà Đoan ốm nặng, sốt đến 40 độ và nôn.
Những ngày ấy, người đàn ông hơn 20 năm gắn bó với đại dương chưa từng sợ hãi trước biển khơi lại lo lắng cho đất liền. Thế là anh Phong bỏ phiên biển chạy về đất liền cùng vợ chăm sóc bà Đoan.
"Lần đó, nếu đúng phiên phải đánh thêm một tuần nữa mới đầy khoang. Nhưng tôi lo sức khỏe của bác Đoan chuyển biến xấu nên bỏ về luôn" - anh Phong tâm sự.
Anh Phong cùng người con đặc biệt Đinh Văn Nhe - Ảnh: TRẦN MAI
Tinh thần nghĩa hiệp của anh Phong không chỉ bây giờ, gần 20 năm ròng rã vợ chồng anh Phong giúp đỡ người già khó khăn ở cù lao Mỹ Tân này. Người ta vẫn kể về chàng ngư dân Phong ở nhà thuê làm từ thiện. Tiền không nhiều thì đi quyên góp với tâm niệm: mình khó nhưng cũng đủ ăn, nhiều người không biết bám vào đâu. Lão ngư Bùi Hiệp ví anh Phong như chiếc mỏ neo giữ lại lòng tốt trên đời.
"Thằng Phong làm việc nghĩa từ cái thời còn ở nhà thuê. Lúc đó, Phong còn đi bạn (làm ngư dân đánh cá cho chủ tàu khác), vợ thì buôn gánh bán bưng. Chật vật nuôi con nhưng thấy ai khổ lại ra tay giúp. Ngư dân ở đây thấy thằng Phong khó khăn còn giúp được người khác nên ai làm ăn khấm khá cũng chung vai gánh với nó" - lão ngư Hiệp nói.
Cái thời ở nhà thuê làm việc nghĩa mà ông Hiệp kể chỉ mới thoát khỏi cuộc đời anh Phong được hai năm. 17 năm ở nhà thuê, mãi đến năm 2016 anh mới tích góp làm được cái nhà khang trang hiện giờ.
Anh Phong bảo rằng giàu nghèo sấp ngửa bàn tay. Cứ sống lương thiện, gia sản để lại cho con cũng là tấm lòng cha mẹ và chữ nghĩa con có được. Suy nghĩ giản dị ấy đồng điệu với người bạn đời.
Chị Lan chia sẻ: "Hồi còn ở nhà thuê, đi bạn cho người ta, nhiều phiên biển trở về chỉ đủ nạp tiền học cho con và mua gạo biếu các cụ già neo đơn".
Cuộc trò chuyện cứ ngược về quá khứ. Năm 2001, lúc đó một bà lão đi chợ chỉ mua bó rau, chai mắm. Thấy lạ, chị Lan tìm hiểu mới biết bà neo đơn, cuộc sống quá khó khăn. Chị mang chuyện này kể với anh Phong, đó là lần đầu tiên vợ chồng anh Phong chia sẻ với người khác rồi trao yêu thương mãi đến tận bây giờ.
Tôi hay đau ốm, không ai nhận hết, may sao chú Phong đến hỏi thăm rồi đưa tôi về nhà chăm sóc, khi tôi khỏe mạnh thì được cho đi biển.
ĐINH VĂN NHE
Ở đời là vậy, xởi lởi trời cho, anh Phong hào sảng với người khốn khó lại được mọi người thương yêu. Năm 2003, nhiều người rủ anh hùn vốn đóng tàu mà thực tế là cho mượn phần tiền hùn luôn để anh có thêm thu nhập lo cho người nghèo.
Ba năm sau, anh Phong "ra riêng" làm chủ con tàu. Thu nhập khá dần, vợ chồng anh Phong lại mở lòng hơn. Mỗi năm vợ chồng anh dành 20 triệu đồng mua nhu yếu phẩm cho những người nghèo khó dịp giáp tết. Tết vừa rồi, 200 suất quà đã được vợ chồng anh Phong chuyển đến người nghèo tại địa phương.
Chuyện về vợ chồng anh ngư dân nghĩa hiệp ở làng chài Mỹ Tân sẽ còn được người dân kể đến như một câu chuyện răn dạy các thế hệ tiếp sau. Hiện giờ, người ta kể về người con trai tên Đinh Văn Nhe (20 tuổi) quê tận huyện An Lão (Bình Định) được anh Phong đón về từ cảng cá rồi sống cùng gia đình mãi đến giờ.
Nhe bây giờ là một chàng trai khỏe mạnh, chịu được sóng gió biển khơi, nhưng hai năm trước Nhe vô định đời mình, lang thang ở cảng cá Quy Nhơn xin phụ việc mà chẳng ai nhận vì sức khỏe quá yếu.
Nhớ lại lần đó, Nhe kể: "Nhà tôi rất nghèo, lại đông con, tôi là anh cả nên phải nghỉ học tìm việc làm phụ giúp gia đình".
Anh Phong xem Nhe như con cái trong nhà, giao riêng cho một phòng để sinh hoạt. Cuộc đời Nhe bước sang trang mới, sự yêu thương của vợ chồng anh Phong đã biến chàng trai nhút nhát trở nên hoạt ngôn với mọi người. Sau mỗi phiên biển, Nhe lại gửi tiền về nhà phụ giúp gia đình.
Tết năm ngoái, vợ chồng anh Phong về nhà Nhe mua sắm cho ngôi nhà lây lất bên triền núi một mùa xuân đủ đầy. Mới đây, Nhe đã sắm cho mình một chiếc xe làm phương tiện đi lại.
Anh Phong tâm sự: "Nhe bằng tuổi con trai lớn của tôi, trong khi con tôi đang là sinh viên Đại học Y dược TP.HCM thì Nhe lại sớm ra đời kiếm sống. Tôi nghĩ, Nhe thiếu nhất là tình yêu thương, vợ chồng tôi muốn cho cháu cảm giác sống bình yên. Thời gian tới, tôi dự tính cho Nhe học bằng thuyền trưởng, dần tự lập tạo dựng cuộc sống riêng của mình".
Trên chiếc tàu mà anh Phong làm chủ, mỗi thuyền viên là một thân phận. Có những người khốn khó, anh Phong sẵn lòng chia sẻ để ai nấy đều ổn định cuộc sống.
Nghe nhiều ngư dân cùng quê kể về tấm lòng của anh Phong, ngư dân Nguyễn Lương từ Bình Định ra Quảng Ngãi tìm đến xin đi biển cùng. Lên tàu như sống trong một gia đình, không có cảm giác chủ tớ, mỗi bữa ăn giữa trùng khơi mọi người lại kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình.
Trong một lần như vậy, ngôi nhà đang xây của anh Lương đã hoàn thành khi anh Phong cho mượn gần 100 triệu đồng.
"Anh Phong cho anh em bạn thuyền mượn tiền mà không sợ quỵt. Nhờ vậy mà tất cả anh em trên tàu đều ổn định cuộc sống. Tính ra tôi đã đi biển với anh Phong ba năm, giờ sau mỗi phiên biển, tôi cũng góp với anh Phong chút ít để lo cho người nghèo. Tiền nợ thì trả dần dần, anh Phong chẳng khi nào đòi" - anh Lương chia sẻ.
Ông Lê Hữu Đại - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Chánh - nhận xét: "Hiếm có người nào như vợ chồng anh Phong. Từ lúc chưa có của ăn của để đến khi cuộc sống khá giả vẫn luôn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn".