Apple đe dọa các nhà cung ứng với tham vọng tự chế chip

Các hãng cung ứng chip cho Apple cần sớm nhận thức rằng hợp đồng với gã khồng lồ công nghệ Mỹ chỉ mang tính tạm thời, vì Apple đang dốc sức chế tạo chip "cây nhà lá vườn" cho các sản phẩm mới của họ.

Intel là ví dụ gần đây nhất, khi cuối cùng hãng chip hàng đầu thế giới không còn xuất hiện trong một số dòng Macbook mới của Apple mà thay vào đó là các bộ vi xử lý trung tâm do chính gã khổng lồ công nghệ Mỹ tự phát triển. Wall Street Journal dự đoán, Qualcomm có thể sẽ là nhà cung ứng tiếp theo bị vạ lây.

Bloomberg đưa tin, tại một sự kiện hôm 10/12, Phó Chủ tịch cấp cao Johny Srouji cho biết Apple đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm chip modem của riêng họ.

Chip modem là mảng kinh doanh lớn nhất của Qualcomm với Apple. Sau một tranh chấp pháp lý gay gắt kéo dài nhiều năm, hai công ty gần đây đã thiết lập lại quan hệ hợp tác. Bình luận của ông Srouji khiến giá cổ phiếu của Qualcomm giảm đến 7,4% trong phiên giao dịch ngày 11/12.

Một số nhà cung ứng chip khác của Apple cũng lâm vào thế khó, đơn cử có thể kể đến Broadcom, Qorvo và Skyworks Solutions. Cả ba công ty này đều cung ứng chip tần số vô tuyến (RF) cho iPhone. Giá cổ phiếu của Broadcom giảm 1% trong phiên giao dịch sáng 11/12 dù công ty vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV khả quan một ngày trước đó.

Tham vọng tự chế chip của Apple đe dọa các nhà cung ứng - Ảnh 1.

Tham vọng từ phát triển chip của Apple đe dọa vị thế của các hãng cung ứng chip hàng đầu. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Nhà phân tích Atif Malik của Citigroup dự đoán Apple nhiều khả năng sẽ nghiên cứu phát triển chip RF sau khi sản xuất chip modem riêng vì các linh kiện này phải phối hợp tốt với nhau nên khó sử dụng một thành phần thay thế từ hãng khác được.

Tuy nhiên, sản phẩm chip của Qualcomm chưa thể bị thay thế nhanh chóng, thậm chí khả năng này có thể cũng không xảy ra. Phó Chủ tịch Srouji cho biết kế hoạch nghiên cứu chip modem chỉ mới khởi động trong năm nay và đây là "một khoản đầu tư chiến lược dài hơi".

Thỏa thuận mà Qualcomm và Apple đạt được vào năm ngoái bao gồm một hợp đồng cấp phép kéo dài 6 năm và một thỏa thuận cung ứng chip "nhiều năm" khác. Năng lực của Qualcomm trong lĩnh vực 5G là động lực chính dẫn đến thỏa thuận nói trên. Hơn nữa, 5G cũng không phải là lĩnh vực mà Apple có thể sớm bắt kịp Qualcomm.

Hôm 11/12, chiến lược gia Tim Arcuri của ngân hàng UBS nhận định, chiến lược phát triển chip modem của Apple có thể cần nhiều kiến thức chuyên môn về công nghệ tần số vô tuyến mà gã khổng lồ có trụ sở tại Cupertino (California) phải thông qua các thương vụ M&A mới có thể đạt được.

Apple rất tham vọng và có nguồn ngân sách lớn, cùng với mong muốn được kiểm soát càng nhiều công nghệ quan trọng của hãng càng tốt. Đó là rủi ro đeo bám bất kì công ty cung ứng chip nào đang hợp tác cùng ông lớn công nghệ này.

Tuy nhiên, tham vọng của Apple không thể hoàn thành chỉ trong một đêm. "Táo khuyết" đã mất đến một thập kỷ để tạo ra con chip máy tính cạnh tranh đầu tiên sau khi sản xuất thành công bộ vi xử lý trung tâm cho iPhone.

Hai loại chip trên là thứ mà nhiều nhà cung ứng chip đã có thể làm từ lâu, do đó, các hãng chip liên tục cải tiến công nghệ sẽ có thể duy trì vị thế lâu hơn trên thị trường và tạm thời bớt lắng một chút về tham vọng của Apple.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.