Tới thăm phòng khám của bác sĩ thú y Lê Hồng Hòa (huyện Hóc Môn, TP HCM), tôi phải chờ khá lâu bởi anh phải tất bật với các chú chó và mèo cần được chăm sóc.
“Mỗi ngày của tôi đều không theo kế hoạch nào cả. Dĩ nhiên là có các lịch đã hẹn trước để chích chừa, thăm khám, phẫu thuật nhưng việc chủ nuôi bận việc hay không thể đem được chó, mèo đến phòng khám là thường xuyên.
Như sáng nay có lịch hẹn triệt sản 1 con mèo nhưng cũng không thể tiến hành”, bác sĩ Hòa cho biết.
Gần đó, bạn Lý Gia Khang (sinh viên Đại học Nông Lâm TP.HCM), học trò của anh Hòa cũng đang bận rộn hướng dẫn một người khách đo nhiệt độ cho con chó của họ. Anh còn chú ý tư vấn dinh dưỡng khi căn dặn “không được ăn thịt bò”.
Khang và một chú chó tại bệnh xá của trường. |
Chia sẻ về công việc tại phòng khám, Khang nói: “Mình đang học năm cuối, trong 5 năm đào tạo bác sĩ thú y. Chương trình buộc các sinh viên phải nắm vững kiến thức cả nội và ngoại khoa với nhiều chủng loài động vật. Sau khi tốt nghiệp thì mỗi người sẽ chọn lĩnh vực cụ thể hơn như với chó mèo, gà vịt hay trâu bò,…”
Theo lời Khang kể, phẫu thuật chó là bắt buộc trong chương trình học. “Các sinh viên nước ngoài thì mỗi sinh viên phẫu thuật 1 con chó. Chứ khi mình học thì cả lớp 30 – 40 sinh viên chỉ được làm trên 2 con chó.
Chó được thầy cô mua về, được gây mê rồi hướng dẫn chúng mình các thủ thuật như cắt đuôi, cắt tai, triệt sản, nối ruột, may bàng quang… Học xong, xác của chó được giữ lại và tiếp tục nghiên cứu thêm”, Khang thuật lại.
“So với học chữa bệnh cho người, học thú y đỡ áp lực hơn. Chúng mình cũng không có lời thề y học Hippocrates nhưng thầy cô cũng dạy rất kỹ về tinh thần nhân đạo đối với động vật.
Tuy nhiên, công việc này không phải lúc nào cũng đầy niềm vui. Hồi năm 2015 khi học năm 3 và đi thực tập, ngày nào mình cũng phải chứng kiến những chuyện buồn”, Khang chia sẻ.
Khang kể thêm về một chú chó bị liệt chân sau, bị teo cơ, nằm 1 chỗ và có khả năng bị ung thư. “Mình nhận chú chó đó từ 1 bạn cứu hộ chó mèo, nhờ mình hỗ trợ điều trị. Dù anh Hòa và mình đã tận tình cứu chữa nhưng vết thương không hồi phục.
Mình đề nghị, đem lên phòng khám khác nhưng cũng bị trả về. Vài ngày sau thì chú chó đó mất đi trong giấc ngủ. Nhớ lại khiến mình cảm thấy nặng nề”.
Bác sĩ Lê Hồng Hòa tiêm thuốc cho một ca bệnh. |
Bác sĩ Hòa thì kể câu chuyện khác. “Có một khách hàng ở Dĩ An (Bình Dương) khiến tôi nhớ hoài. Gia đình của cô này rất đầm ấm, yêu thương động vật. Nhưng dần dần, cô chủ này yêu chó ngày càng mù quáng khi liên tục nhận nuôi chó mèo.
Đến lúc căn nhà có hơn 20 chú chó thì tình cảm gia đình bị ảnh hưởng. Chồng và các con của cô này buồn lòng vì cô cứ mãi chăm lo nuôi chó mà bỏ bê gia đình”, anh nhớ lại.
“Khi đến nhà cô ấy để chích ngừa cho bầy chó, chúng tôi đã bị choáng. Tôi đã cảnh báo cô ấy, nuôi quá nhiều chó trong một diện tích là không được.
Không cần các bệnh nào nặng, chỉ là bệnh nhẹ như viêm đường hô hấp mà 1 con bị là sẽ lây cho cả đàn, nguy cơ dịch bệnh rất cao. Vì thế, yêu chó cũng cần có lý trí và ý thức”, bác sĩ Hòa nhận xét.
Cả bác sĩ Hòa và Khang đều nhận được các cuộc gọi hỏi về bệnh tình chó mèo thường xuyên. “Có khi 3h sáng mà vẫn bị gọi”, Khang kể.
Nói về tình trạng chó bị bắt trộm, Khang kể: “Có lần, chúng tôi cấp cứu cho 1 con chó bị trúng độc khi có bầu. Cứu chữa thành công và giữ được tính mạng cho chó mẹ thì khi không ngờ chó con khi sinh ra cũng bị trúng độc.
Chúng tôi lại tiếp tục cứu chữa nhưng sau đó chó mẹ lại bị bắt trộm. Các đối tượng bắt trộm bây giờ manh động, thậm chí còn tấn công cả chủ chó nên chúng tôi lên án hành vi này”.
Chợ thịt chó tại TP.HCM |
Chó bắt trộm thường được bán cho các lò mổ, chế biến thịt chó. Đánh giá việc này, bác sĩ Lê Hồng Hòa, học viên đang theo học tại Đại học Nông Lâm TP.HCM nêu quan điểm: “Có thể một số vùng trên đất nước ta vẫn còn thói quen ăn thịt chó.
Nhưng thói quen hay văn hóa này có đáng để tiếp tục duy trì không. Ngoài hệ lụy về nạn trộm chó làm mất an ninh trật tự, thói quen ăn thịt chó còn có nguy cơ bệnh tật rất cao”.
“Hiện nay, thịt chó đều không qua quy trình giết mổ nào, không được đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm nếu ngộ độc thịt chó.
Còn nói về dinh dưỡng, chó không thể so sánh với các thực phẩm khác như heo, gà, thỏ… Vì thế, mọi người nên nghĩ đến sức khỏe của mình trước khi ăn thịt chó”, bác sĩ thú y Lê Hồng Hòa nhấn mạnh.
Tiểu thương chợ thịt chó lớn nhất Sài Gòn ôm hàng bỏ chạy
Ngày 18/9, lực lượng chức năng kiểm tra điểm bán thịt chó tại quận 12, nơi được xem là "chợ thịt chó" lớn nhất TP ... |
Nói không với thịt chó: Chờ tiếng nói của bộ trưởng
Mấy hôm nay, báo chí dồn dập đăng tin nhiều nước nói không với thịt chó, mèo. Nào là Hạ viện Mỹ vừa thông qua ... |
Chủ lò mổ chó lãi đậm bất ngờ tiết lộ nguyên nhân bỏ nghề
Mặc dù thu được lợi nhuận cao từ nghề nhưng chủ một số lò mổ chó ở Chương Mỹ, Hà Nội vẫn quyết định giải ... |
Những nguy hại sức khỏe khi ăn thịt chó
Hiện nay xã hội phát triển, khi miếng ăn không còn làm người ta thèm khát như xưa, đã có rất nhiều người dân từ ... |