Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là Trưởng ban, cùng với ủy viên là các ban ngành, đoàn thể.
Trong đó, Cục Thú y là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hòa phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi trên toàn quốc.
Đồng thời, giúp Thủ tướng phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ngoài ra, ban chỉ đạo cũng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra các Bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh.
Kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Nông nghiệp, giao cho Cục Thú y, các nguồn vốn hỗ trợ, và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Ban chỉ đạo quốc gia được thành lập trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc.
Theo Cục Thú y, từ ngày 1/2 - 18/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 294 xã, 62 huyện của 19 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 34.774 con.
Mới đây, Thừa Thiên Huế vừa phát hiện thêm một ổ dịch thứ hai trên địa bàn tỉnh.
Trong khi công tác kiểm tra, chốt chặn heo vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào Nam được thực hiện rốt ráo thì gần đây, một tỉnh tại Campuchia, giáp với các tỉnh Long An, Tây Ninh cũng đang xảy ra dịch.
Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi nên cho heo ăn cám viên ở giai đoạn này để phòng dịch tả.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho hay dịch bệnh xảy ra ở Campuchia là rất đáng lo ngại bởi địa phương này rất các tỉnh phía Nam.
Ông Đoán cho hay hiện tình trạng vận chuyển heo từ Bắc vào Nam để tiêu thụ đã giảm do chênh lệch giá không nhiều. Vì vậy, một nguyên nhân khiến dịch tả heo châu Phi có thể lây lan ở các tỉnh phía Nam là nguồn thức ăn không đảm bảo.
Theo ông Đoán, Long An và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long vốn là nguồn cung cám gạo lớn cho trang trại và hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, Đông Nam Bộ. Vì vậy, nếu dịch bệnh từ Campuchia lan sang Long An, rồi theo nguồn thức ăn đi đến các địa phương khác là rất đáng lo ngại.
Ông Đoán khuyến cáo ở giai đoạn này, các hộ chăn nuôi nên cho đàn heo ăn cám viên, thay vì cám hỗn hợp hay thức ăn thừa để phòng bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng dịch như sát trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, hạn chế người và phương tiện ra vào khu vực nuôi.
Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus bệnh ở mọi loại heo (heo nuôi, heo cảnh và cả heo rừng) gây ra. Heo bệnh có khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Hiện trên thế giới chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị. Đồng thời, dịch tả heo châu Phi không lây sang người và các loài động vật khác.
Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang, quay lưng với thịt heo bởi dịch bệnh không lây sang người. Vì vậy, người tiêu dùng cần chọn thịt heo rõ nguồn gốc, xuất xứ và chế biến chín, an toàn, hợp vệ sinh.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020