Dịch tả heo châu Phi tiến sát miền Nam: 'Tôi khuyến cáo cho heo ăn cám viên để hạn chế bệnh'

Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết trước nguy cơ dịch tả heo châu Phi lan xuống miền Nam, đe dọa thủ phủ chăn nuôi heo lớn nhất nước, ông khuyến cáo giai đoạn này người chăn nuôi chỉ nên cho heo ăn cám viên, để hạn chế dịch bệnh.

Tháng trước, giá heo hơi tại "thủ phủ" heo Đồng Nai vẫn còn ở mức rất cao, đến 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn dịch tả heo châu Phi hoành hành tại miền Bắc, heo hơi tại miền Nam rớt xuống còn khoảng 40.000 đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết với tổng đàn 2,5 triệu con trên toàn tỉnh, nhiều người chăn nuôi đã bán đổ bán tháo để vừa chạy dịch, chạy giá, và chạy cả thông tin nhiễu không chính xác về dịch.

Dịch tả heo châu Phi tiến sát miền Nam: Tôi khuyến cáo cho heo ăn cám viên để hạn chế bệnh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai.

Ông Đoán cho rằng tuy dịch tả heo châu Phi có tỉ lệ gây chết lên đến 100%, nhưng điều này chỉ xảy ra trên heo đã mắc bệnh, còn lại vẫn có thể "né" khi phòng chống dịch nghiêm ngặt. Ông khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng trước những loại cám hỗn hợp, thức ăn thừa ở giai đoạn này, bởi đây có thể là nguyên nhân lây lan bệnh.

Vừa qua đợt khủng hoảng giá năm ngoái, nay lại rớt thảm vì dịch tả heo châu Phi

- Ông có thể cho biết tình hình chăn nuôi heo tại "thủ phủ" heo Đồng Nai hiện ra sao trước diễn biến dịch tả châu Phi đang phức tạp và đã lan đến Thừa Thiên Huế? 

- Đồng Nai là tỉnh có số lượng heo nhiều nhất cả nước. Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 2,5 triệu con.

Trước dịch tả lợn châu Phi, dù dịch chưa đến nhưng hiện người chăn nuôi đang rất hoang mang. Họ đang chịu áp lực rất lớn từ dịch bệnh đến giá cả lẫn thông tin thất thiệt khiến người tiêu dùng quay lưng với thịt heo.

Thực tế, khi thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và heo bị tiêu hủy đã ảnh hưởng tâm lí người chăn nuôi. Tuy nhiên, dù lo lắng nhưng các trang trại trên địa bàn vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch tả, phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

-Thưa ông, nhiều người chăn nuôi đang phản ánh giá heo hơi đã giảm rất mạnh, thương lái thậm chí chấp nhận bỏ cọc, không bắt heo vì lượng tiêu thụ thịt thấp. Tại Đồng Nai, tình hình hiện ra sao?

- Dù muốn hay không thì heo hơi những ngày qua đã liên tục rớt giá. So với tháng 2, khi giá heo hơi thương lái mua lên đến 54.000-56.000 đồng mỗi kg, thì hiện nay người nuôi chỉ bán được mức cao nhất là 39.000-40.000 đồng/kg. Thậm chí, heo xấu thì các trang trại chỉ bán được với giá hơn 30.000 đồng/kg.

Dịch tả heo châu Phi tiến sát miền Nam: Tôi khuyến cáo cho heo ăn cám viên để hạn chế bệnh - Ảnh 2.

Heo tại Đồng Nai được người chăn nuôi bán bán thao vì lo dịch, lo rớt giá. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

- Ông nhận định thế nào về tình hình giá heo hơi trong những ngày tới?

- Trước tác động của dịch bệnh, tôi nghĩ giá heo hơi có thể tiếp tục giảm nữa. Đó cũng là lí do nhiều trang trại và người chăn nuôi những ngày qua tranh thủ bán tháo, thậm chí, họ bán "chạy heo", dù còn cả tháng nữa mới đến ngày xuất chuồng.

Sau thời điểm heo hơi giảm giá thê thảm trong năm 2017, rất nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai bỏ nghề hoặc giảm đàn. Mãi đến giữa năm ngoái, giá heo mới ổn định trở lại, nhiều người quay lại mở đàn thì dính phải dịch tả heo châu Phi khiến họ rất hoang mang.

Báo động nguồn thức ăn thừa từ nhà hàng, cám gạo từ vùng dịch

- Đã có thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại một địa phương ở Campuchia, địa phương này giáp với Long An. Theo ông thì phương án chống dịch, bảo vệ đàn heo của các tỉnh phía Nam hiện nay cần tiến hành cấp thiết ra sao?

- Tôi đã biết được thông tin này. Tình hình này mới thực sự đáng lo ngại. Bởi đây là vùng nằm rất gần với Long An và một số tỉnh gần đó như Bình Phước, Tây Ninh.

Dịch tả heo châu Phi tiến sát miền Nam: Tôi khuyến cáo cho heo ăn cám viên để hạn chế bệnh - Ảnh 3.

Theo ông Đoán, việc một địa phương tại Campuchia, giáp Long An thông báo phát hiện dịch tả heo là rất đáng lo ngại.

Long An và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long là nguồn cung cấp cám gạo gần như lớn nhất cho Đồng Nai, cũng như vùng Đông Nam Bộ. Nếu virus gây bệnh nhiễm vào nguồn cám gạo này tại Long An hoặc khiến đàn heo Long An nhiễm bệnh, thì khả năng lây lan rất cao.

Hiện tôi rất lo lắng về con đường lây nhiễm này, nếu vào các tỉnh phía Nam thì tác động sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, tôi muốn người chăn nuôi hiểu rõ trên lí thuyết, dịch tả heo châu Phi khiến tỉ lệ bệnh và chết lên đến 100%, nhưng không phải heo ở trang trại này chết thì trang trại kia cũng chết. Tức nếu con heo nào đã bị bệnh thì mới chết hẳn.

Riêng những khu vực chưa nhiễm bệnh thì có thể phòng chống bằng cách vệ sinh chuồng trại thật tốt và các phương pháp khác để phòng dịch.

Khó khăn nhất hiện nay là chưa có vaccine phòng và chữa dịch tả heo châu Phi. Vì vậy, cách tốt nhất là thực hiện các biện pháp vô trùng, vệ sinh chuồng trại thật tốt, hạn chế người và các phương tiện ra vào chuồng trại.

- Để hạn chế dịch bệnh có thể lây lan, TP HCM đã có qui định không nhận heo từ các tỉnh thành phía Bắc vào tiêu thụ. Ông thấy hiện đây có phải là biện pháp hữu hiệu hiện nay?

- Cách đây hai tuần, việc vận chuyển heo từ các tỉnh thành phía Bắc hoặc miền Trung vào Nam tiêu thụ rất nhiều, bởi thời điểm đó, chênh lệch giá heo hơi tại hai miền khá cao. Nếu mang heo vào tiêu thụ ở miền Nam thì có giá cao hơn.

Tuy nhiên, hiện chênh lệch này không còn nữa hoặc có chênh là rất ít nên việc vận chuyển vào Nam không ý nghĩa, thậm chí lỗ phí vận chuyển.

Dịch tả heo châu Phi tiến sát miền Nam: Tôi khuyến cáo cho heo ăn cám viên để hạn chế bệnh - Ảnh 4.

Lực lượng thú y kiểm tra xe vận chuyển heo tại Trạm kiểm dịch động vật Ông Đồn, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. (Ảnh: Dân Trí).

Dù lượng xe vận chuyển heo vào Nam tiêu thụ giảm, nhưng việc kiểm tra, kiểm soát phải xam là rất quan trọng, để ngăn chặn các trường hợp bất chấp có thể khiến dịch bệnh lây lan đến các tỉnh phía Nam.

 Nhưng chặn bằng con đường vận chuyển thôi thì chưa đủ. Bởi hiện 46% nguyên nhân heo nhiễm dịch tả châu Phi là do nguồn thức ăn chứa mầm bệnh. Trong khi đường có thể lây nhiễm khi vận chuyển heo từ vùng dịch là 19%.

Chính vì vậy, tôi mới lo lắng khi một địa phương của Campuchia nằm cận Long An phát hiện dịch tả heo châu Phi. Long An và các tỉnh miền Tây Nam Bộ là nguồn cung cám gạo, thức ăn nhiều nhất cho chăn nuôi tại Đồng Nai và Đông Nam Bộ.

Từ việc thức ăn không đảm bảo có thể lây lan dịch tả heo châu Phi. Nhìn rộng ra, ngoài các tỉnh miền Tây Nam Bộ cung cấp cám gạo thì còn có một số nguồn cung khác đáng chú ý hiện nay,  như thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán xá. Nhiều hộ chăn nuôi hiện nay vẫn sử dụng nguồn này.

Hoặc ngoài việc chốt chặn heo từ các tỉnh phía Bắc vào Nam thì có một mối nguy khác là thức ăn từ vùng nhiễm bệnh đã trữ sẵn nhưng chưa được dùng, mang đi bán lại cho các hộ chăn nuôi khác. Đây đều là những nguồn có nguy cơ lây bệnh cao.

Minh bạch chi phí hỗ trợ hộ nuôi chống dịch

- Thưa ông, vậy đâu là biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi mà các hộ chăn nuôi cần phải làm hiện nay, riêng Đồng Nai đã thực hiện những gì?

- Công tác phòng dịch với các biện pháp an toàn sinh học hiện nay vẫn là chủ yếu.

Do là vùng cung cấp heo lớn nên ngay từ tháng 9 năm ngoái, khi thông tin dịch tả heo xuất hiện tại một số nước trên thế giới, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo để tìm hiểu, phổ biến cách phòng chống dịch bệnh cho các trang trại và hộ chăn nuôi.

Hiện trước tình hình dịch bệnh ở phía Bắc, các trang trại nuôi heo với quy mô lớn tại Đồng Nai đều thực hiện nghiêm công tác phòng dịch như khử trùng, tiêu độc, hạn chế người và các phương tiện ra vào chuồng trại. Tuy nhiên, việc kiểm soát tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có phần khó khăn hơn.

Dịch tả heo châu Phi tiến sát miền Nam: Tôi khuyến cáo cho heo ăn cám viên để hạn chế bệnh - Ảnh 5.

Theo ông Đoán, thời điểm này, hộ chăn nuôi không nên cho heo ăn cám hỗn hợp hau thức ăn thừa, mà chỉ nên ăn cám viên.

Đồng thời, do thức ăn có thể là một nguồn lây nhiễm nên tôi khuyến cáo các hộ chăn nuôi ở giai đoạn này chỉ nên cho heo ăn cám viên, không nên ăn cám hỗn hợp hay thức ăn thừa. Tuy chi phí chăn nuôi sẽ cao hơn, nhưng có thể hạn chế được dịch bệnh rất nhiều ở thời điểm hiện nay.

- Với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ông có kiến nghị gì với cơ quan chức năng trong tình hình dịch tả đang diễn biến phức tạp hiện nay?

- Hiện bên cạnh biện pháp phòng dịch, yếu tố con người vẫn là quyết định nhất. Tôi đề nghị phạt thật nặng những trường hợp vứt xác heo bệnh, heo chết ra môi trường, thay vì phải báo cơ quan chức năng để được phối hợp xử lí.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phải làm việc với những người kinh doanh heo quay, bởi có những trường hợp mua heo bệnh, heo chết với giá rẻ để quay. Đây cũng là một trong những nguồn lây lan dịch.

Tuy nhiên, theo tôi, trước tiên, cơ quan chức năng cần minh bạch thông tin hỗ trợ những hộ có heo bị dịch bệnh phải tiêu hủy. Minh bạch về chi phí hỗ trợ lẫn cả công tác hỗ trợ, như xử lí tiêu hủy. Có như vậy mới nhận được sự hợp tác, đồng thuận của người chăn nuôi.

- Xin cảm ơn ông!

Dự báo giá heo hơi ngày 21/3: Nguồn cung trong nước vẫn được đảm bảo trước dịch tả lợn châu PhiDự báo giá heo hơi ngày 21/3: Nguồn cung trong nước vẫn được đảm bảo trước dịch tả lợn châu Phi Hoang mang với dịch tả châu Phi: Người chăn nuôi ở "thủ phủ" heo miền Nam khóc ròng nhìn giá rớt từng ngàyHoang mang với dịch tả châu Phi: Người chăn nuôi ở 'thủ phủ' heo miền Nam khóc ròng nhìn giá rớt từng ngày Ít nhất 4 năm nữa mới có vaccine phòng chống dịch tả heo châu PhiÍt nhất 4 năm nữa mới có vaccine phòng chống dịch tả heo châu Phi