Mới tháng trước, giá heo hơi tại khu vực Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 55.000 đồng/kg nhưng nay chỉ ở mức 39.000-40.000 đồng/kg nhưng không thể bán được. Theo người chăn nuôi, tình hình xấu nhất nếu dịch tả heo châu Phi tràn xuống phía Nam, họ chắc chắn trắng tay, bởi vừa gượng dậy sau đợt giảm giá kéo dài đầu năm 2018.
Giá heo hơi thấp hơn 40.000 đồng/kg, lái vẫn chấp nhận bỏ cọc
Chăn nuôi heo với quy mô lớn hơn chục năm tại huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), ông Hương cho biết kể từ khi có thông tin dịch tả châu Phi hoành hoành tại các tỉnh phía Bắc, giá heo hơi thương lái mua giảm đi từng ngày.
Giá heo hơi tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai hiện thấp hơn mức 40.000 đồng/kg. (Ảnh: SGGP).
Cụ thể, hiện giá heo hơi chỉ còn 39.000-42.000 đồng/kg, tức giảm hơn 10.000 đồng/kg so với tháng 2. Với ông Hương, mức giá này nếu dễ bán thì người nuôi còn đỡ khổ. Đằng này giá giảm mà heo không bán được. Nên hộ nào có người mua là chấp nhận bán đổ bán tháo từ heo nhỏ đến heo đủ lứa xuất chuồng, để vớt vát vốn.
"Thực tế người nuôi cũng không thể nào chờ mãi được, nhất là trong tình cảnh hiện nay. Heo thì không thể không cho ăn. Chuồng trại cũng phải tiêu độc, sát trùng hàng ngày, vốn đâu chúng tôi gồng, nên đành phải tranh thủ bán", ông Hương nói.
Tương tự, ông Trần Quang Trung, chủ một trang trại heo lớn tại tỉnh Đồng Nai cũng đang lao đao khi giá heo hơi đang ở mức 40.000 đồng/kg nhưng không dễ bán. Ông cho hay với đà giảm liên tục những ngày qua, người nuôi đang rất khổ, và nguy cơ giá tiếp tục rớt sâu nữa, bởi các thông tin dịch bệnh liên tục cập nhật, thị trường tiêu thụ rất khó.
"Thương lái họ ra sức ép giá người chăn nuôi, dù giá thấp nhưng không ai biết sắp tới sẽ như thế nào nên buộc bán tháo đi. Giá heo vừa lên lại vào năm ngoái, khó khăn lắm mới giữ được giá thời gian qua, nhưng đợt này là nông dân chúng tôi lại điêu đứng tiếp", ông Trung nói.
"Chúng tôi đang lo sốt vó nếu dịch vào Nam"
Theo ông Trung, trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, như tiêu độc khử trùng chuồng trại, phun xịt vôi sát khuẩn…
"Chúng tôi lo sốt vó những ngày này nếu dịch tả lợn châu Phi vào Nam. Mọi biện pháp lúc này mà các chủ trang trại làm rất đầy đủ, bài bản mong đối phó với dịch bệnh", chủ trang trại có đến hàng nghìn con heo cho biết.
Các hộ chăn nuôi tại Đồng Nai đang căng mình phòng chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh này là hơn 2,5 triệu con, là địa phương có đàn heo lớn nhất nước. Ông xác nhận giá heo hơi hiện chỉ còn 39.000-40.000 đồng/kg.
"Thậm chí với heo có chất lượng không được tốt thì còn khoảng ba mươi mấy nghìn đồng mỗi kg. Mức này là rất thấp", ông Đoán nói.
Theo ông Đoán, hiện công tác phòng chống dịch tại các vùng chăn nuôi trong tỉnh đang diễn ra ráo riết, trong lúc tình hình dịch đã lan đến Thừa Thiên Huế.
Ông cũng cho biết thêm ngay từ khi ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên được phát hiện, tỉnh đã tổ chức phổ biến để các hộ chăn nuôi biết cách phòng chống nếu dịch bệnh xảy ra. Ông đánh giá công tác phòng chống hiện nay khá tốt, tuy nhiên, cũng phải thận trọng đề phòng.
"Các trang trại thì việc phòng chống rất tốt, vì họ chủ động và cũng có kinh nghiệm, nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc tuân thủ và kiểm soát khó hơn", ông Đoán nói.
Song song với nỗi lo về dịch tả heo châu Phi tràn xuống phía Nam, chia sẻ với phóng viên, nhiều người chăn nuôi cho hay điều họ lo lắng nhất là người tiêu dùng quay lưng với thịt heo.
"Những thông tin không chính xác về dịch bệnh trên heo hiện nay đang gây hoang mang, khiến người tiêu dùng lo lắng không dám dùng thịt heo. Việc này đã tác động rất lớn đến người chăn nuôi chúng tôi. Thịt heo không ai dùng, thương lái phải hạn chế mua và ép giá", ông Hương nói.
Người tiêu dùng lựa chọn thịt có nguồn gốc rõ ràng tại các siêu thị. (Ảnh: Phúc Minh).
Bộ NN&PTNT, Bộ Y Tế cũng nhiều lần khẳng định, bệnh dịch tả heo châu Phi hoàn toàn không lây sang người, cũng như động vật khác, nên người tiêu dùng không nên hoang mang, tẩy chay các sản phẩm thịt, ảnh hưởng đến thị trường cũng như tình hình chăn nuôi của người dân.
"Giữa tâm lí ngại dùng thịt heo do dịch tả heo châu Phi thì vụ hàng trăm học sinh mầm non nhiễm sán ở Bắc Ninh lại ập đến. Người chăn nuôi chúng tôi khổ sở quá", ông Hương bộc bạch.
Ông chủ trại gần 4.000 con heo này cho rằng người tiêu dùng nên chọn thịt rõ nguồn gốc, chế biến chín kĩ và hợp vệ sinh, thay vì quay lưng với loại thực phẩm này.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020