Phiên thảo luận kinh tế xã hội trên hội trường Quốc hội ngày 13/6 nóng lên về vấn đề giá thịt lợn.
Vấn đề này “nóng” lên từ nhiều tháng nay khi nhiều tỉnh trong cả nước chịu ảnh hưởng bởi dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông đã tích cực chỉ đạo việc tái đàn và điều tiết, bình ổn giá thịt lợn, song nhiều người nhận định các giải pháp chưa thực sự kịp thời, hiệu quả khiến giá thịt lợn không có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn liên tục lập đỉnh.
“Bộ trưởng Nông nghiệp nói nếu thịt lợn đắt thì không nhất thiết phải ăn thịt lợn mà có thể ăn thịt gà, tôm, cá… Điều đó thì người dân bình thường, một bà nội trợ cũng biết và quyết định được. Nhưng vấn đề và trách nhiệm của Bộ trưởng cao hơn thế, là giải quyết được nhu cầu về thịt lợn”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặt vấn đề khi trao đổi với Zing.
Theo ông, dù nói thế nào, người dân Việt Nam vẫn cần thịt lợn ở mức tối thiểu, không thể thay thế hoàn toàn bằng các thực phẩm khác.
Ông Doanh ủng hộ các biện pháp để tăng sản lượng thịt lợn và đáp ứng nhu cầu về thịt. Chuyên gia kinh tế này nhận định đây là nhiệm vụ, vấn đề cấp bách.
Phân tích về yếu tố thị trường, ông Doanh nói thịt lợn là vấn đề cung cầu trong nền kinh tế thị trường. Muốn bình ổn giá thì phải tung ra lượng thịt lợn đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. “Có nhiều thịt lợn bán thì giá giảm xuống ngay thôi, kinh tế thị trường rất đơn giản, vấn đề anh có bao nhiêu lực lượng, tiềm lực để thực hiện vấn đề đó”, ông Doanh đặt vấn đề.
Dù có thịt lợn nhập khẩu, ông Doanh nhấn mạnh thói quen người dân vẫn thích ăn “thịt tươi”, nên cần thời gian nhất định để người dân chuyển sang dùng thịt lợn nhập khẩu. Cùng với đó, phải có giải trình của cơ quan quản lí giúp người dân yên tâm.
Cho rằng việc dư luận xã hội bức xúc giá thịt lợn vì vừa qua, cơ quan quản lí đưa ra nhiều giải pháp và cam kết bình ổn, song hết lần này đến lần khác, giá thịt vẫn không giảm, ông Doanh góp ý cơ quan quản lí cần rút kinh nghiệm, đưa ra tuyên bố phải đúng và thực hiện khả thi trong thực tế.
“Ý muốn tốt của nhà quản lí muốn kéo giá xuống để dân không phải mua thịt lợn giá cao rất đáng hoan nghênh, nhưng nói phải đi đôi với làm. Nếu tuyên bố anh đưa ra không được thực hiện trong thực tế sẽ khiến người dân bức xúc”, ông Doanh nêu quan điểm.
Ông tái khẳng định phải giải quyết vấn đề giá thịt lợn sớm, vì nếu thị trường thịt lợn biến động sẽ kéo theo biến động giá nhiều loại thực phẩm khác, tạo thêm "gánh nặng" trong từng bữa ăn của người dân.
Là người từng trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trên nghị trường về giải pháp bù lại lượng thịt lợn bị thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi tại kì họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói ông hài lòng với phần Bộ trưởng Cường giải trình chiều 13/6, song ông chưa thỏa mãn.
“Hài lòng vì phải thừa nhận Bộ trưởng và ngành nông nghiệp đã rất cố gắng, nỗ lực với rất nhiều động thái giải quyết việc này. Họ không thờ ơ và thiếu trách nhiệm. Nhưng chưa thỏa mãn vì những giải pháp ấy vẫn chưa giải quyết được vấn đề có đủ thịt cho dân ăn, dân vẫn phải mua thịt lợn giá cao”, ông Trí nói.
Ông cũng kể câu chuyện đi khắp nơi từ Hòa Bình, Hà Nội đến nhiều địa phương khác đều thấy người dân nói việc “muốn mua thịt lợn giá rẻ thì lên ti vi mà mua”. Đây là câu chuyện mà các nhà quản lí phải suy nghĩ.
Theo ông Trí, các giải pháp Bộ Nông nghiệp đưa ra là có, nhưng làm chưa kịp thời nên chưa hiệu quả.
Với giải pháp tái đàn lợn kết hợp với nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam, vị đại biểu Hà Nội cho rằng nếu không cân đối, tính toán kịp thời và triển khai nhanh sẽ gây ra cuộc khủng hoảng thừa, khi lượng tái đàn lớn, cộng thêm lượng thịt nhập khẩu.
Về giải pháp Bộ trưởng Cường nhắc đến là “không nên tập trung ăn thịt lợn”, ông Trí cho biết kì họp trước khi ông chất vấn, giải pháp này đã được Bộ trưởng đưa ra.
“Giải pháp này không sai, nhưng giờ đã là giai đoạn cuối rồi, kêu gọi giải pháp này không còn kịp thời, phù hợp nữa, người dân cũng nhận ra việc này từ lâu rồi”, ông Trí nói và cho rằng Bộ nên có phản ứng nhanh hơn.
“Không còn nhiều thời gian nữa là Tết Nguyên, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang tăng mạnh. Vì vậy hai ngành nông nghiệp và công thương cần chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để đảm bảo nguồn cung thịt lợn ổn định và bình ổn giá”, ông Trí nói.
Là người dùng quyền tranh luận để trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp ngay sau khi Bộ trưởng nói về vấn đề bình ổn giá thịt lợn, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nói ông không hài lòng với các giải pháp lãnh đạo ngành nông nghiệp đưa ra.
Nhắc lại đây là quy luật cung cầu, ông Giang nói việc áp dụng các mệnh lệnh hành chính “phải đưa giá thịt lợn xuống thấp” như vừa qua là không hiệu quả.
Hơn nữa, ông cũng cho rằng giải pháp đưa ra không thể nói là thịt lợn đắt quá thì chuyển sang ăn thịt gà hay thực phẩm khác.
Vấn đề được vị đại biểu Cà Mau chỉ ra khi theo dõi các hộ chăn nuôi lợn là họ chỉ được lợi rất nhỏ khi nuôi lợn, thậm chí chỉ thu được tiền công 4.000 đồng/kg thịt, trong khi đó, người tiêu dùng lại phải mua thịt lợn với giá rất cao. Như vậy cho thấy lợi lớn nhất nằm ở các tư thương và cấp trung gian, họ sẽ tìm mọi cách để trục lợi khiến giá thịt lợn không thể giảm.
Về giải pháp tái đàn sau dịch, ông Giang cho rằng Bộ Nông nghiệp phải xác định vùng nào tái đàn được, vùng nào không, tái đàn thì sẽ làm thế nào.
Ông cho rằng giải pháp người đứng đầu ngành nông nghiệp đưa ra chỉ là giải pháp tình thế. Vai trò của bộ là phải định hướng cho thị trường này, tránh câu chuyện khi nông sản rẻ, người dân phải tích cực giải cứu, còn khi giá tăng cao, người dân lại phải chịu thiệt.
Theo đánh giá của đại biểu, giải pháp Bộ trưởng Nông nghiệp đưa ra chưa tốt, khiến dư luận bức xúc vì việc giảm giá thịt lợn được nói rất nhiều nhưng giá vẫn chưa giảm được. “Chính sách như thế là chưa đạt, đưa ra mệnh lệnh hành chính như vậy là thất bại”, ông Giang nói.
Kinh doanh 05:00 | 30/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 29/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 28/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 27/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 26/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 25/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 24/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 23/08/2024