Một bài báo trên New York Times (NYT) về tiền thuế của ông Trump đã làm dậy sóng chính trường Mỹ. Hàng chục bài báo khác sẽ được đăng thêm trong những tuần tới.
Theo Politico, chỉ cần 30 từ đầu tiên của bài báo NYT đăng ngày 27/9 cũng đã đủ để gây tổn thương nghiêm trọng đến cơ hội tái đắc cử của ông Trump: "Donald Trump nộp 750 USD tiền thuế thu nhập liên bang vào năm ông đắc cử. Trong năm đầu tiên ở Nhà Trắng, ông trả thêm 750 USD nữa".
Bài báo tiếp tục tường thuật hàng chục năm trời "mổ xẻ" tình hình tài chính của ông Trump: khai báo các khoản lỗ khổng lồ để giảm gánh nặng thuế, thổi phồng tài sản để vay tiền.
NYT khẳng định: "Tài liệu cho thấy Trump ngày càng phụ thuộc vào việc kiếm tiền từ những hoạt động kinh doanh có khả năng đặt ông vào cảnh xung đột lợi ích trực tiếp với nhiệm vụ của tổng thống Mỹ".
Bài báo của NYT rất giàu chi tiết. Hàng trăm nghìn USD "phí tư vấn" trả con gái Ivanka và khoản hoàn thuế gây tranh cãi 72,9 triệu USD không phải thứ ông Trump dễ dàng giải thích. Ngoài ra khoản khấu trừ "chi phí kinh doanh" 72.000 USD cho việc làm tóc cũng có thể khiến nhiều người phải nhướng mày.
Tuy nhiên, con số "mở màn" – 750 USD tiền thuế một năm – mới là điều cực kì tai hại với ông Trump, do nó rất dễ nhớ và dễ được biến thành thông điệp chính trị.
Minh chứng cho hậu quả thảm khốc của bê bối thuế có thể được lấy từ cuộc đua vào Thượng viện tại bang Tennessee năm 1976.
Thượng nghị sĩ Bill Brock, người sắp kết thúc nhiệm kì đầu tiên đang gặp khó trong cuộc đối đầu với đối thủ Đảng Dân chủ James Sasser. Vào giữa tháng 10/1976, sau khi bị truyền thông gây sức ép, ông Brock phải thừa nhận rằng ông chỉ phải nộp 2.026 USD tiền thuế trên thu nhập 51.670 USD.
Tính ra, thuế suất ông Brock trả chưa đến 4%. Để so sánh, vào năm 1976, một công dân Mỹ thông thường kiếm nhiều tiền bằng ông Brock sẽ phải nộp cho Sở Thuế vụ 62% thu nhập của mình.
Gần như ngay lập tức, các huy hiệu với dòng chữ "Tôi trả nhiều thuế hơn Brock" bắt đầu xuất hiện.
Khi câu chuyện lan ra, Chủ tịch Hội đồng Lao động Nhà nước đã tổ chức một cuộc họp báo so sánh thuế của Brock với thuế của một công nhân ô tô, công nhân thép và kĩ sư đường sắt.
Những người lao động này phải trả nhiều thuế hơn ông Brock dù thu nhập thấp hơn nhiều. Vào tháng 11, ông Brock mất ghế thượng nghị sĩ với cách biệt 5 điểm.
Câu chuyện về Thượng nghị sĩ Brock gây được tiếng vang bởi vì nó củng cố những quan niệm "dân túy" về thực tế cuộc sống: những người nắm quyền lực luôn xoay xở thành công để tránh những gánh nặng người "bình thường" phải chịu.
Bê bối thuế cũng là một trong những nhân tố góp phần kết liễu sự nghiệp tổng thống của Richard Nixon.
Ông Nixon chỉ trả 792 USD thuế thu nhập liên bang vào năm 1970 và 878 USD vào năm 1971 trên mức lương 200.000 USD. Ngoài ra, ông còn yêu cầu khấu trừ 500.000 USD tiền thuế vì đã quyên góp 1.000 thùng tài liệu phó tổng thống gần như vô giá trị cho Cục Quản lí Hồ sơ và Văn khố Quốc gia.
Ông Trump gọi bài báo của NYT là "hoàn toàn bịa đặt", "tin giả". Phát ngôn viên của ông Trump nói với NYT rằng ôngTrump đóng rất nhiều thuế, nhưng không phản bác thông tin ông chỉ đóng 750 USD/năm trong hai năm.
Có lẽ ông Trump, người đã sống sót qua nhiều cuộc tranh cãi tai hại sẽ một lần nữa thuyết phục được những "người hâm mộ" không tin vào bất cứ điều gì chống lại ông.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người bắt đầu đến văn phòng, nhà máy, cửa hàng, với những chiếc huy hiệu, miếng dán và áo phông ghi dòng chữ: "Tôi trả nhiều thuế hơn Trump"?
Vị cựu Thượng nghị sĩ 89 tuổi Bill Brock có thể nói cho ông Trump điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.