Sau hơn 3 tháng vận hành kỹ thuật, tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (Saigon Waterbus, tuyến buýt sông số 1) sẽ chính thức hoạt động vào ngày mai 25/11.
Bến tàu buýt Bạch Đằng |
Phòng vé trang trí khá đẹp và bắt mắt. |
Nhân viên bến tàu đang chuẩn bị vật dụng bên trong phòng vé |
Theo một số nhân viên bến tàu, ban đầu vé bán là vé giấy… |
Sau đó sẽ sử dụng thẻ từ |
Công nhân đang hoàn thiện vệ sinh cho không gian cà phê |
Trước đó ngày 21/8, tại bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM), Công ty TNHH Thường Nhật đã tổ chức lễ hạ thủy vận hành kỹ thuật tàu buýt tuyến số 1. |
Tuyến buýt sông số 1 có tất cả 9 bến, ngoài 2 bến đầu và cuối (bến Bạch Đằng và bến Linh Đông), các bến còn lại gồm: Bến Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh), bến Bình An, Thảo Điền (quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức).
Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, trong tuyến số 1 sẽ bổ sung thêm 3 bến là bến Thủ Thiêm (quận 2), bến Tân Cảng (quận Bình Thạnh) và bến Trường Thọ (quận Thủ Đức). Toàn tuyến có 5 tàu buýt, trong đó có 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị.
Tàu có sức chứa 75 hành khách, được trang bị máy điều hòa, áo phao, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách. Công ty Thường Nhật cam kết về sự an toàn kỹ thuật, tính toán tương thích với điều kiện thời tiết ở miền Nam.
Khi đưa vào khai thác, tuyến số 1 nói trên chỉ mất khoảng 30 phút (tính cả thời gian đón trả khách) là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến. Giá vé dự kiến là 15 nghìn đồng/lượt.
Tuyến buýt số 1 có 5 tàu buýt, mỗi tàu chở tối đa 75 khách, vận tốc di chuyển hơn 30 km/h |
Tuyến buýt đường sông cũng hướng đến giá trị văn hóa 300 năm của thành phố - trên bến dưới thuyền. Đặc biệt, tuyến buýt này tuyệt đối đảm bảo phù hợp với cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường. Cửa kính được thiết kế rộng, nhiều ánh sáng nên khách có thể vừa di chuyển vừa ngắm cảnh hai bên bờ sông Sài Gòn.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM thông tin, thành phố có lợi thế là có hơn 1.000km đường thủy nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.
Loại hình buýt đường sông này được kỳ vọng góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khuyến khích người dân đi lại bằng vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông.
Thành phố phấn đấu đến năm 2020 loại hình này sẽ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt và taxi ước chiếm 17%, 3% còn lại là loại hình vận tải như Metro và buýt đường sông.