Từ tháng 7/2015, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức, TP.HCM là BV duy nhất được Bộ Y tế cấp phép thí điểm bệnh án điện tử, sau quá trình khảo sát, chọn lựa khá khắt khe. Gần 2 năm thực hiện thành công, BV quận Thủ Đức đang hoàn tất hồ sơ báo cáo Sở Y tế và trình lên Bộ Y tế để xin thẩm định chính thức. Đây được xem là BV tiên phong và duy nhất hiện nay của cả nước không dùng giấy tờ trong khám chữa bệnh (KCB). Báo SK&ĐS đã phỏng vấn BS. Nguyễn Minh Quân - Giám đốc BV quận Thủ Đức về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong KCB ở BV này.
BS. Nguyễn Minh Quân. |
PV: Cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi trong KCB được anh đau đáu theo đuổi kể từ khi được bổ nhiệm làm Giám đốc BV vào năm 2007, điều gì khiến anh phải làm bằng được điều này trong khi tại thời điểm 10 năm về trước cuộc cách mạng công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ?
BS. Nguyễn Minh Quân: Quản lý BV rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nếu không muốn nói là khá phức tạp... nên để quản lý tốt phải có những giải pháp, trong đó CNTT đóng vai trò quan trọng và chủ chốt trong việc điều hành. Do quản lý BV là công việc đặc thù liên quan đến nhiều ngành, nghề nên đòi hỏi phải kiên nhẫn, kiên trì, làm từng bước, có lộ trình, vừa làm vừa sửa, vừa học, vừa hoàn thiện dần. Triển khai ứng dụng CNTT trong BV chúng tôi thấy rất hiệu quả, hay nữa là công khai, minh bạch trong mọi hoạt động. Nếu sử dụng hiệu quả CNTT thông tin, làm cho công tác quản lý tốt hơn, tiết kiệm nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) rất nhiều.
PV: Cải cách hành chính tự bản thân ngành y tế không giải quyết được bởi cần sự phối hợp và đồng lòng từ ngành BHXH. Anh đã thuyết phục và dấn thân như thế nào?
BS. Nguyễn Minh Quân: Trước tiên cần phải nói rõ để mọi người cùng hiểu, BV không giấy không có nghĩa là vào BV không hề có giấy tờ, mà những gì có thể ứng dụng CNTT được thì triển khai thực hiện, giảm tối đa giấy tờ không cần thiết.
Quan điểm của tôi là cố gắng làm tốt, dám làm, dám chịu, khi thành công sẽ có thể nhân rộng thì xã hội mỗi ngày tốt lên, góp phần cho sự phát triển xã hội. Để đưa CNTT vào hoạt động, BV đòi hỏi cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, chúng ta cứ làm chắc chắn sẽ được ủng hộ. Nhưng chắc chắn khuynh hướng của sự phát triển tất cả phải có CNTT và hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt về ứng dụng CNTT nên các đơn vị cũng phải triển khai mạnh mẽ. Để thuyết phục được các ngành ủng hộ cách làm của BV, không gì tốt hơn bằng thực tế, hiệu quả công việc và quan trọng nhất người bệnh được hưởng lợi trực tiếp!
BV quận Thủ Đức ứng dụng công nghệ thông tin triệt để từ đón tiếp, bệnh án điện tử và ra viện. Ảnh: Phương Vy (TTXVN) |
PV: BV không giấy tờ là mong ước và đang dần trở nên hiện thực tại BV nhưng đòi hỏi đầu tư công nghệ, con người… ban đầu rất tốn kém, anh giải bài toán này như thế nào trong khi giá KCB không được quyền tự quyết?
BS. Nguyễn Minh Quân: BV không giấy là mơ ước từ lúc tôi bắt đầu làm giám đốc, tôi đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi mong ước này. Tôi tin chắc Bộ trưởng Bộ Y tế và các lãnh đạo Bộ sẽ đồng ý cho triển khai nếu thành công vì đây là xu thế của sự phát triển. Dù khó khăn cũng sẽ quyết tâm làm. Làm có lộ trình, có tính toán kỹ về đầu tư... Chúng ta không nên quan niệm là không có tiền đầu tư mà chúng phải trích từ quỹ phát triển sự nghiệp hoặc vay tiền để đầu tư vì nếu quản lý tốt bằng CNTT thì sẽ tiết kiệm rất nhiều.
PV: Từ ngày đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong BV, thời gian chờ đợi của người bệnh đã giảm được như thế nào? Quan trọng nhất như anh vừa nói, hoạt động của BV được công khai, minh bạch, anh có thể cho biết kỹ hơn về vấn đề này?
BS. Nguyễn Minh Quân: Ứng dụng CNTT trong BV, các công việc, qui trình thủ tục đều tự động hóa trên CNTT nên giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, kể cả người bệnh cần đến thông tin, bệnh án của mình có thể in và sao chép ngay... nên người bệnh hài lòng hơn khi đến KCB. Công khai, minh bạch các hoạt động của BV, qui trình thủ tục, giá viện phí... trên CNTT. Ví dụ: số thứ tự tự động, không ai có thể chen ngang vào được, số thứ tự và tên người bệnh được hiện trên màn hình, người dân có thể theo dõi, giám sát; người bệnh xem giá viện phí, chi tiết các khoản phải thanh toán được hiện trên màn hình; đối tượng ưu tiên được tự động hóa... nói chung là mọi hoạt động được công khai cho người bệnh và nhân viên BV đều biết.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Nội bắt đầu lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân
Sáng 1/3, Trạm Y tế phường Phúc Đồng (quận Long Biên) và xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) là hai xã, phường đầu tiên trên ... |
Hà Nội : 328.000 trẻ em được quản lý qua phần mềm tiêm chủng quốc gia
Đây là thông tin được ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đưa ra tại buổi làm việc ... |