Đình chỉ phòng khám tư khiến nữ bệnh nhân tử vong bất thường | |
Vợ tử vong bất thường, chồng gửi tâm thư kêu cứu Bộ trưởng Tiến |
Như Việt Nam Mới đã thông tin, gia đình anh Nguyễn Văn Vân (29 tuổi, ở Mai Nội, Mai Đình, Hà Nội) đã làm đơn gửi Bộ Y tế và các cơ quan chức năng để đề nghị làm rõ nguyên nhân cái chết bất thường của chị Vũ Thị Thanh Phương (27 tuổi, vợ anh Vân).
Trước đó, vì thấy mệt mỏi nên chị Phương đã đến Phòng khám tư nhân Phù Lỗ để khám và điều trị vào chiều 27/8 và sáng 28/8. Theo phản ánh của gia đình bệnh nhân, bác sĩ tại Phòng khám Phù Lỗ cho rằng chị Phương bị sốt vi rút nên đã tiến hành truyền nước.
Tới trưa 28/8, tình hình sức khỏe của chị ngày càng xấu nên nhân viên phòng khám đã khuyên gia đình chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Bắc Thăng Long. Tuy nhiên, chỉ hơn hai tiếng sau khi vào viện, chị Phương đã tử vong.
Liên quan đến vụ việc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Thăng – Phó Giám đốc, người phát ngôn của Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Bệnh viện Bắc Thăng Long. |
- Xin ông cho biết những thông tin cơ bản về việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân Phương từ lúc tiếp nhận tới khi bệnh nhân tử vong?
Bệnh nhân Vũ Thị Thanh Phương, 27 tuổi, đã có chồng và 3 con. Bệnh nhân nhập viện lúc 12h30 phút ngày 28/8. Bệnh nhân này trước khi vào viện khoảng 20 ngày có nạo hút thai cơ sở nào đó.
Trước khi vào viện 10 ngày, bệnh nhân có bị ngã, trầy xước chân tay. Cách 3 ngày vào viện, bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi và đến phòng khám tư nhân để truyền dịch.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, kêu đau thượng vị và khó thở, da lạnh, nhịp tim đã chậm và huyết áp tụt…
Tại khoa Cấp cứu của bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán là sốc chưa rõ nguyên nhân. Khi đã được chẩn đoán là sốc chưa rõ nguyên nhân, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu hồi sức, chống sốc cho người bệnh.
Đồng thời, bệnh viện cũng làm thăm dò lâm sàng, hội chẩn chuyên khoa ngoại, chuyên khoa sản. Kết quả các xét nghiệm lâm sàng cho thấy, chức năng gan, thận của bệnh nhân bị suy giảm, men tim tăng, ổ bụng có dịch…
Sau đó, kíp trực chuyển ngay bệnh nhân vào khoa Hồi sức cấp cứu chống độc lúc 13h45. Đây là khoa có thiết bị hiện đại nhất của bệnh viện và các y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Tại đây, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn và thực hiện các thao tác hồi sức cho bệnh nhân.
Khi các bác sĩ đang thực hiện hồi sức tích cực thì bệnh nhân đột ngột ngừng thở, ngừng tim. Kíp trực đã thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn theo đúng quy trình trong vòng 14h15 – 16h20 phút theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân nhưng không có kết quả.
Gia đình sau đó đã ký đưa thi thể bệnh nhân về an táng.
- Như vậy, ông khẳng định rằng phía bệnh viện đã làm việc đúng quy trình trong vụ việc này?
Chúng tôi đã nỗ lực để cấp cứu cho bệnh nhân. Nhưng bệnh viện cũng có hạn chế, đó là ở việc cam kết cho người nhà bệnh nhân xin xác về an táng chưa được chặt chẽ. Cụ thể, chỉ có bố chồng của bệnh nhân ký xin xác, trong khi theo đúng quy trình thì phải có cả chữ ký của chồng, bố mẹ ruột của bệnh nhân.
- Tới thời điểm này, Bệnh viện đã nhận định được nguyên nhân khiến bệnh nhân Phương tử vong hay chưa?
Ngày 29/8, phía bệnh viện đã kiểm thảo tử vong với trường hợp này. Trong đó, chúng tôi chẩn đoán nguyên nhân tử vong là ngừng tuần hoàn do sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
Sốc là danh từ y khoa chỉ bệnh nhân mạch nhanh, huyết áp tụt. Nhiễm khuẩn là nguyên nhân do nhiễm khuẩn.
- Vậy bệnh viện có chắc chắn rằng, cơ thể bệnh nhân bị nhiễm khuẩn dẫn đến cái chết và vi khuẩn đó là chủng vi khuẩn gì hay không?
Trong thời gian rất ngắn, chỉ 2 tiếng đồng hồ thì không xác định được chắc chắn có vi khuẩn hay không và chủng vi khuẩn đó là vi khuẩn gì.
Đây là chẩn đoán ban đầu để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Những nguồn để chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn là do trước khi vào viện khoảng 20 ngày, bệnh nhân có nạo hút thai và bị ngã trầy xước chân tay trước khi nhập viện 10 ngày.
Đó là những nguồn mở để chúng tôi nhận định bệnh nhân bị nhiễm khuẩn qua đường nạo hút thai hoặc trầy xước chân tay. Khi xét nghiệm thì chúng tôi nhận thấy bệnh nhân bị suy thận, suy gan…
- Đối với một bệnh nhân bị sốc do nhiễm khuẩn, cơ hội sống sót của họ có cao hay không?
Đối với trường hợp sốc nhiễm khuẩn, nếu bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, kết hợp kháng sinh liều cao, cộng với cơ địa người bệnh tốt thì bệnh nhân có thể qua khỏi.
Sốc nhiễm khuẩn thường rất nặng, khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã bị suy gan, suy thận rồi nên khả năng kém. Trong quá trình kíp trực của bệnh viện cấp cứu chống sốc thì bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn rồi.
- Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã điều trị tại Phòng khám tư nhân Phù Lỗ. Trong số các bác sĩ khám chữa bệnh tại phòng khám này, có nhiều người đang công tác tại Bệnh viện Bắc Thăng Long. Trong đó, bác sĩ Thái Sơn - Trưởng phòng khám này là Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện; bác sĩ Thái Sơn là Phó khoa Cấp cứu của bệnh viện? Thông tin này có chính xác hay không?
Đúng là bác sĩ Thái Sơn và bác sĩ Hoàng Vĩnh đang công tác tại bệnh viện Bắc Thăng Long. Nhưng chúng tôi chỉ quản lý cán bộ trong giờ hành chính và các ca trực ngoài giờ hành chính. Ngoài giờ hành chính mà các bác sĩ không có lịch trực thì chúng tôi không quản lý được.
- Theo phản ánh của gia đình bệnh nhân Vũ Thị Thanh Phương thì người chỉ đạo điều trị cho bệnh nhân tại phòng khám là bác sĩ Hoàng Vĩnh. Tuy nhiên, Phòng Y tế huyện Sóc Sơn cho biết, vị bác sĩ chỉ định truyền này chưa được đăng ký qua Sở để khám chữa tại Phòng khám Phù Lỗ. Phía bệnh viện có nắm được thông tin này hay không?
Hiện chúng tôi chưa nắm được thông tin này. Chúng tôi cũng mới nắm được thông tin là có 3 bác sĩ của bệnh viện khám chữa tại Phòng khám Phù Lỗ. Tuy nhiên đó là thông tin chưa chính thức. Chúng tôi đang mời 3 bác sĩ này lên tường trình. Nếu phát hiện có vi phạm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!