Hà Nội dự kiến đưa Hòa Lạc lên thành phố cùng với Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn

Hà Nội sẽ phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố” tại khu vực phía bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); phía tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “Thị xã mới trong Thành phố".

Sáng nay 11/10, UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với phát triển đô thị TP Hà Nội”.

Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Lưu Quang Huy cho biết, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ nghiên cứu lại mô hình cấu trúc đô thị để điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “Thị xã mới trong Thành phố". 

Đồng thời, Hà Nội sẽ nghiên cứu hoàn chỉnh, tái cấu trúc không gian chức năng, hạ tầng khu vực đô trung tâm trong chùm đô thị Thủ đô và chùm hệ thống đô thị trong Vùng Thủ đô. 

Nghiên cứu cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển, phát triển cân đối không gian hai bên trục sông Hồng và phát triển phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển. 

Nghiên cứu quy hoạch xây dựng - phát triển hạ tầng kinh tế xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn; nghiên cứu hoàn chỉnh đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị...

Hà Nội dự kiến đưa Hòa Lạc lên thành phố cùng với Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. (Ảnh: Hạ Vũ).

Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành Đề án xây dựng thành quận đối với 5 huyện gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; dự báo tỷ lệ đô thị hóa sẽ khoảng 60-65%, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung (đến năm 2030 đạt 68%).

Ngoài ra, trong việc điều chỉnh quy hoạch giao thông, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Sơ bộ khảo sát, phương án ý tưởng sẽ đặt ở phía Nam Hà Nội, nằm giữa vành đai 4 và 5; với quy mô 1.300 ha.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể có rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; nghiên cứu đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.

Thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “Thành phố trong Thành phố”

Về định hướng triển khai điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay giải pháp thời gian tới đối với Hà Nội là ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, thành phố phải có lựa chọn tư vấn nước ngoài hoặc có một cuộc thi về xây dựng ý tưởng để làm quy hoạch Hà Nội, cùng với Viện Quy hoạch Hà Nội để thực hiện Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung. 

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội cần vừa tổ chức lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng.

Đặc biệt, trong lần điều chỉnh quy hoạch lần này cần chú ý đến việc điều chỉnh gia tăng dân số; quy hoạch phòng chống lũ; nâng cao chất lượng chất lượng quy hoạch; có lộ trình huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn thể Nhân dân. 

Ông Nghiêm đồng ý với các mục tiêu mà nhiệm vụ quy hoạch đề ra, tuy nhiên, nên thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “Thành phố trong Thành phố”.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.