Hà Nội xem xét xây dựng huyện Đông Anh là thành phố trực thuộc Thủ đô

Ngoài ra trong quý I/2021, thành phố đã có thêm 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích.
Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, định hướng Đông Anh là thành phố trực thuộc Thủ đô - Ảnh 1.

Cầu Nhật Tân qua địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Hạ Vũ).

Chiều 23/4, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đến hết quý I, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2021.

Thông tin từ hội nghị, hiện tại thành phố có thêm 5 huyện (Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn) được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 12/18 huyện, thị xã. 

Riêng huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét. Với 5 huyện còn lại, có 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021; 2 huyện (Ba Vì, Mỹ Đức) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.

Trong quý I/2021, thành phố công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 368/382 xã (chiếm 96,3%) và 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Riêng huyện Đan Phượng có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu trong năm 2021 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với 14 xã còn lại chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới (5 xã của huyện Mỹ Đức và 9 xã của huyện Ba Vì) đến nay đều đạt từ 15-19 tiêu chí và phấn đấu trình thành phố xem xét, thẩm định trước 30/9/2021.

Cũng trong quý I, thành phố huy động trên 9.441 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động; ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách với tổng số tiền 199 tỷ đồng...

Phát biểu trong hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tập trung mọi nguồn lực và quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện và 14 xã chưa “về đích” xây dựng nông thôn mới. 

Trong đó, các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mê Linh tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021. 

Đối với huyện Ba Vì và Mỹ Đức, phải đánh giá kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ công nhận nông thôn mới đối với 14 xã, trình Thành phố trong tháng 9/2021.

Liên quan đến kế hoạch xây dựng 5 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới trở thành 5 quận (Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức), Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong tuần qua, Bí thư Thành uỷ đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung rà lại quy hoạch và điều kiện để sớm triển khai các bước thực hiện đầu tư xây dựng 5 huyện trở thành quận. Đáng chú ý, trong định hướng phát triển, thành phố sẽ xem xét đến việc xây dựng huyện Đông Anh trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô. Vấn đề này sẽ tiếp tục được Ban chỉ đạo của thành phố bàn thảo kỹ lưỡng trong thời gian tới.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.