Sát hại chồng vì "con anh đánh con em"
Bị cáo Mai tại phiên tòa phúc thẩm. |
Cuối tháng 10 vừa qua, TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo tuyên y án 8 năm tù đối với bị cáo Lại Thị Tuyết Mai (33 tuổi, tại Đồng Nai) về tội Giết người.
Nạn nhân trong vụ án này, cũng là người chồng của bị cáo.Là người có cùng cảnh ngộ Mai và anh Hào tìm đến với nhau sau khi đỗ vỡ hôn nhân và có 1 đứa con chung.
Năm 2004, Mai lấy chồng và sinh hạ bé Linh. Sau khi có con nhỏ, chồng của Mai không chí thú làm ăn mà hay rượu chè, bỏ bê công việc. Không ít lần người chồng "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" với vợ. Năm 2007, người phụ nữ này quyết định ly hôn, gửi Linh cho bà ngoại chăm sóc rồi xuống Đồng Nai làm công nhân. Sau lần đỗ vỡ đó Mai càng khao khát có một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Về phần Hào, do không hòa hợp với vợ cũ nên cuộc hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ. Sau ly hôn, Hào ôm con riêng về Đồng Nai làm công nhân. Tại đây, 2 người chung cảnh ngộ gặp nhau, sau thời gian tìm hiểu suy nghĩ về mối quan hệ Mai và Hòa quyết định tiến tới với nhau cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Thời gian đầu, họ sống hòa thuận và hạnh phúc. Tưởng chừng cuộc sống hạnh phúc sẽ nảy nở từ đây, nhưng nào ai ngờ. Lúc 2 người có con chung, cuộc sống bắt đầu lục đục, xảy ra mâu thuẫn. Từ đầu năm 2015, Hào đổi tính, hay nhậu nhẹt và chửi mắng, đánh đập Mai.
Trong cuộc sống vợ chồng luôn mâu thuẫn trong việc con cái và tiền bạc, ngoài việc kiếm tiền lo cho con chung thì họ còn phải lo cho con riêng. Nhiều lần anh Hào tích góp tiền cho con riêng của mình đã khiến chị Mai không vui gia đình lại lục đục.
Khoảng cuối năm 2014 Linh đón con riêng của mình về chung sống (tại ấp 5 xã An Phước huyện Long Thành) càng khiến mâu thuẫn gia đình đẩy lên đỉnh điểm.
Vào khoảng 16 giờ ngày 28/6/2015, Mai đi làm về và nghe cháu Linh kể chuyện bị Nguyễn Thị Mỹ Huyền (con riêng của anh Hào đang sống chung với ông bà nội gần đó) đánh. Mai tức giận liền đi qua nhà ba mẹ chồng để gặp cháu Huyền hỏi chuyện.
Tại đây, Mai gặp anh Hào đang trong tình trạng say xỉn nên hai bên cãi vã nhau. Anh Hào dùng tay đánh vào đầu, mặt của vợ và buông lời thách thức. Sau đó, cả hai về lại phòng trọ thì tiếp tục cãi nhau. Anh Hòa dùng tay tát Mai 2 cái. Trong cơn tức giận, bị cáo đã vào bếp lấy con dao đâm trúng 1 nhát vào ngực khiến anh Hào tử vong.
Người chồng tử vong, Mai bị công an bắt giữ ngay sau đó. Những đứa con thơ của cặp vợ chồng phải nương nhờ 2 bên nội ngoại.
Giọt nước mắt muộn màng
Với hành vi của mình Mai bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 8 năm tù về tội giết người. Sau bản án sơ thẩm đại diện gia đình bị hại làm đơn kháng cáo theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Mai. Hiện đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Mai được tạm hoãn thi hành án.
Có mặt tại phiên tòa, Bị cáo giữ gương mặt sầu não, cúi đầu lặng lẽ bước chậm chạp. Cách bị cáo men theo bậc tam cấp tiến lên phòng xét xử khiến mọi người có cảm giác như đôi chân của bị cáo gắn tạ, vì mỗi bước chân đều nhấc đi khó nhọc.
Phiên tòa có rất đông người tham dự, nhìn dáng người phụ nữ mảnh khảnh, gương mặt khắc khổ đang tiến vào trước vành móng ngựa. Khiến nhiều người tham dự phiên tòa phải rơi lệ.
Được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án bị cáo Mai khóc nức nở, quay xuống nhìn gia đình hai bên nội ngoại và nói lời xin lỗi muộn màng. Mong có cơ hội để chăm sóc con, bù đắp tổn thất về tinh thần cho những đấng sinh thành.
Trong lúc chờ nghị án, nghĩ về tội lỗi của mình gây ra. Đã sát hại người chồng mà mình từng thương yêu. Nghĩ về những đứa trẻ tương lai sẽ ra sao khi vừa bị mất cha, mẹ lại rơi vào vòng lao lý. Càng nghĩ Mai lại càng cúi mặt sát xuống đất mà khóc lên thành tiếng.
Sau khi nghị án HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Mai 8 năm tù về tội giết người. Nhìn bị cáo Mai như kẻ mất hồn bước khỏi phòng xử án. Ánh mắt hối hận và thương xót cho những người con. Những người thân của Mai đẫm nước mắt khóc thương cho hoàn cảnh những đứa trẻ, khóc thương và hờn giận đứa con trai đã mất và người vợ nóng tính đã gây ra bi kịch này.
Cha chết, mẹ vào tù những đứa trẻ lớn mồ côi, lớn lên trong côi cút thiếu tình thương mẫu tử, bởi vì hành động nông cạn nhất thời của người lớn.