Bí quyết giúp trẻ thoát tâm lý 'chây ì' những ngày đầu năm

Một tuần đi học sau Tết Nguyên Đán, nhiều học sinh vẫn chưa thực sự hào hứng bắt nhịp trở lại. Việc phụ huynh dành thời gian giúp con lên kế hoạch học tập đầu năm sẽ giúp trẻ nhanh chóng lấy lại niềm vui.
giup con len ke hoach hoc tap dau nam
Việc lên kế hoạch cùng con giúp bé khởi động việc học hào hứng hơn. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Hội chứng chây ì sau Tết

Mặc dù đã đi học lại trở nhưng dư âm những ngày Tết dài vẫn khiến trẻ hụt hẫng, uể oải trong tuần đầu học tập. Chị Kim Oanh, phụ huynh có con gái học lớp 4 trường tiểu học Tân Sơn Nhất, Q. Tân Bình chia sẻ: “Suốt tuần nay, đi học thì đi chứ về nhà buổi tối cháu cũng không chịu ngồi vào học bài. Mẹ có nhắc cũng ngồi vẽ vời lung tung rồi kêu buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài”.

Không riêng con gái chị Oanh, nhiều học sinh cũng thấy uể oải trong tuần đầu đến lớp. Cô Thanh Ngân, giáo viên trường tiểu học ở Q.Thủ Đức cho biết: “Sĩ số lớp mấy ngày đầu đi học hầu như lớp nào cũng có học sinh vắng. Lớp tôi phải có đến 10 em ngồi cứ gật gà gật gù trong lớp. Có em đến giờ vẫn còn ở quê chưa lên học, phụ huynh gọi xin cô cho nghỉ thêm”. Cũng theo cô Ngân, đây là tình hình chung của các lớp.

Trong khi con trẻ bắt đầu trở lại với việc học, cha mẹ cũng đã sớm quay lại cùng công việc của mình. Những buổi tân niên, họp hành đầu năm, triển khai kế hoạch làm việc cho năm mới khiến nhiều người lơ là, không dành được thời gian cho con khiến hội chứng chây ì càng thêm kéo dài ở trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, việc quan tâm đồng hành cùng con trong giai đoạn này, giúp con vạch ra những kế hoạch học tập cho năm mới sẽ giúp trẻ thấy hào hứng hơn, học tập khoa học hơn để đạt kết quả tốt.

giup con len ke hoach hoc tap dau nam
Cha mẹ khởi động lại kế hoạch làm việc cũng nên giúp con bắt đầu lên kế hoạch học tập cho riêng mình.

Cùng con lên kế hoạch

Chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ em Phương Nga, tác giả cuốn sách “Đưa con trở lại thiên đường” đã có những lời khuyên cho các phụ huynh trong việc đồng hành cùng con lên kế hoạch học tập đầu năm.

Theo chuyên gia Phương Nga, việc lên kế hoạch cho cuộc sống được ví như tấm bản đồ. Với trẻ nhỏ đang ở độ tuổi mà kỹ năng ứng phó với những thay đổi chưa cao, kinh nghiệm sống còn rất khiếm tốn, thì việc lên kế hoạch cho những hoạt động là một lợi ích không thể phủ nhận: các con biết trước - về tổng thể - chuyện gì sẽ đến, tâm lý sẽ bình an hơn.

Riêng những trẻ được cha mẹ giúp làm quen sớm với các kế hoạch trong việc học như: tự chuẩn bị bài vở cho ngày tiếp theo, ghi chú những yêu cầu từng môn học, mục tiêu lớn đặt ra trong năm học... sẽ có khởi động suôn sẻ hơn những trẻ bước vào việc học với tâm thế bị động. Trong quá trình học, những học sinh nào có kế hoạch rõ ràng chắc chắn có việc học thuận lợi và kết quả cao hơn hẳn.

“Trẻ nào học được kỹ năng lên kế hoạch thường dễ đạt được mục tiêu, vì con biết chọn lựa và phân phối sự tập trung vào những điều chính và điều phụ trong một công việc nào đó”, chuyên gia Phương Nga khẳng định.

Các nhà tâm lý cũng cho rằng, chuyện dạy con lên kế hoạch học tập không phải chỉ bắt đầu với bé lớn. Ở các bé nhỏ hơn, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ làm quen dần với việc làm việc có kế hoạch khi bé từ 0 đến 5 tuổi. Ở độ tuổi này, phụ huynh cần cho con biết được biết các kế hoạch có liên quan đến mình, để dần hình thành ý thức trong trẻ.

Từ 5 tuối trở đi, có thể bắt đầu hướng dẫn con lên kế hoạch, bắt đầu từ những việc đơn giản, sau đó kế hoạch sẽ ngày càng phức tạp hơn. Cha mẹ có thể báo với con những kế hoạch dự định làm, phân tích sự hợp lý của kể hoạch, hướng dẫn con tự mình lập kế hoạch thông qua những câu hỏi, gợi ý.

Với các bé lớn hơn đã đi học, chuyên gia Phương Nga cũng gợi ý cha mẹ nên cùng con vẽ ra những kế hoạch, dự định của bé theo dạng Mind Map (bản đồ tư duy) giúp bé quen với cách lên kế hoạch chuyên nghiệp.

Cha mẹ có thể cùng con lên kế hoạch để bé thấy có bạn đồng hành, cha mẹ ghi ra kế hoạch của mình và đặt ra những câu hỏi, để bé tự ghi chú ra những mục tiêu của mình cho năm học mới, dán bảng mục tiêu ở những nơi quan trọng hàng ngày cả nhà đều thấy.

Khi cha mẹ quan tâm, biết tạo hứng khởi cho con, cùng con lên kế hoạch, trẻ sẽ khởi đầu một năm với nhiều niềm vui trong việc học, nhanh chóng lấy lại hứng thú sẵn sàng cho những ngày học sắp tới.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.