Bị xua đuổi, tài xế Grab, Uber không dám vào bến xe

Thị phần giảm, áp lực cạnh tranh tăng lên khiến một bộ phận xe ôm truyền thống có thái độ cực đoan với tài xế Uber, Grab, khiến họ e dè, từ chối khách ở các bến xe.

Một lái xe GrabBike là Hoàng Nam (quận Hoàng Mai) chia sẻ bạn rất ngại nhận những chuyến đón khách ở bến xe Giáp Bát do sợ bị những tài xế xe ôm truyền thống xua đuổi.

Theo Hoàng, việc cạnh tranh khốc liệt của xe ôm truyền thống với các ứng dụng chạy xe hiện đại là nguyên nhân chính.

'Khu vực nguy hiểm'

Hoàng cho biết tại Hà Nội, Bến xe Giáp Bát là khu vực “nguy hiểm nhất” đối với tài xế Grab, Uber. Thường thì tài xế rất ngại vào bến này đón khách. Nếu trả khách cũng trả phía ngoài đường Giải Phóng, không dám đi sâu vào cổng vào.

bi xua duoi tai xe grab uber khong dam vao ben xe
Cổng vào của Bến xe Giáp Bát có hàng chục xe ôm truyền thống (kể cả người hóa trang thành Grab) hoạt động. Ảnh: Hiếu Công.

Chị Minh, một người bán nước vỉa hè khu vực Bến xe Giáp Bát, cho biết chị thường xuyên chứng kiến cảnh tranh giành khách giữa các tài xế ở khu vực cổng vào của xe khách. Tại đây tồn tại 3 lực lượng xe ôm chính: Xe ôm truyền thống, xe ôm chạy theo công tơ mét có đồng phục và xe ôm công nghệ Uber, Grab.

Với xe ôm chạy theo công tơ mét, có đồng phục riêng đã được công ty thuê mua chỗ đỗ bên trong bến nên họ được ưu tiên vị trí đẹp nhất, không ảnh hưởng đến ai.

Trong khi đó, con đường nhỏ dẫn từ cổng ra đến Giải Phóng là địa bàn hoạt động của xe ôm truyền thống. Những xe ôm truyền thống này có thể “mượn danh” Grab, Uber bắt khách theo cách chèo kéo, đeo bám.

Đây được các lái xe công nghệ cho biết là "khu vực nhạy cảm", tài xế không biết, vào đón, đợi khách sẽ bị xua đuổi. Đã từng có vụ ẩu đả giữa xe ôm truyền thống và tài xế Uber/Grab ở khu vực này, chị Minh cho biết.

bi xua duoi tai xe grab uber khong dam vao ben xe
Các tài xế Grab thường hoạt động ở khu vực ngoài phía đường Giải Phóng. Ảnh: Hiếu Công.

“Chỉ một sự việc nhỏ như tài xế Grab vào đón khách đặt ứng dụng, nhưng đón đúng vị khách mà vài ông xe ôm truyền thống đang chèo kéo là có thể xảy ra mâu thuẫn. Ông xe ôm cho rằng ông Grab giành khách của mình. Nhẹ thì xua đuổi, to tiếng với nhau, nặng thì có thể dẫn tới ẩu đả”, chị Minh nói.

Anh Minh, một tài xế chạy UberMoto, cho biết vì “sợ” xe ôm truyền thống nên nhiều tài xế Uber, Grab chỉ dám hoạt động bên ngoài bến xe.

Tại Bến xe Mỹ Đình, số lượng tài xế các loại xe ôm hoạt động cũng nhộn nhịp không kém. Theo anh Thanh Sơn, một lái xe Grab, mâu thuẫn giữa “đội truyền thống” và “đội công nghệ” không quá gay gắt như ở Bến xe Giáp Bát.

Tuy nhiên, khu vực cổng ra của bến xe luôn có hàng chục xe ôm đủ loại trực sẵn. Uber, Grab cũng có mà xe ôm truyền thống cũng nhiều. Khi có khách ra ngoài, hàng chục người sẵn sàng vây quanh bắt khách khiến mâu thuẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

bi xua duoi tai xe grab uber khong dam vao ben xe
Tại Bến xe Mỹ Đình cũng có hàng chục đầu xe ôm trực sẵn khu vực cửa ra của khách. Ảnh: Hiếu Công.

Anh Nguyễn Nam, một tài xế xe ôm lâu năm lại Bến xe Mỹ Đình, cho biết cả xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ đều có những điểm yếu mà rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Xe ôm truyền thống thường có kiểu chèo kéo, nài nỉ, đeo bám khách. Trong khi đó, xe ôm công nghệ cũng có một số tài xế sẵn sàng chạy “chui” ứng dụng. Nghĩa là khi khách có nhu cầu bắt trực tiếp, không thông qua việc đặt trên ứng dụng, tài xế sẵn sàng chạy.

"Tài xế xe ôm truyền thống thấy tài xế Grab, Uber có thể nhận khách chui, không qua ứng dụng là hành động tranh giành khách nên dễ xảy ra mâu thuẫn", anh Nam nói.

Hơn nữa, tại bến xe này rất đông khách có thói quen cứ ra cổng bến là lên xe ôm, không quan tâm hãng nào, ứng dụng nào. Đội xe ôm truyền thống mặc định đó là khách của mình, nếu tài xế Grab, Uber nhận nhóm khách này rất dễ bị to tiếng.

Tại TP.HCM, theo thống kê của Grab, cùng với cổng khu du lịch Suối Tiên, các bến xe cũng là điểm nóng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa tài xế GrabBike và xe ôm truyền thống.

bi xua duoi tai xe grab uber khong dam vao ben xe
Các tài xế xe ôm công nghệ cũng thường tụ tập thành nhóm trong khi đợi khách. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chuyện cơm bữa

Trao đổi với báo giới ngày 19/6, một đại diện GrabBike tại TP.HCM cho biết các tài xế thường xuyên phản ánh họ bị đuổi đánh và phải nhờ khách hàng huỷ chuyến dùm.

"Việc tài xế GrabBike bị làm khó, đuổi đánh diễn ra tại bến xe Miền Tây, An Sương hay Miền Đông là chuyện hàng ngày, xảy ra như cơm bữa. Có trường hợp mới chở khách tới cổng bến xe đã bị nhắc nhở là phải rời đi, không được dừng lâu”, vị này cho biết.

Anh Vũ Việt Hùng, một tài xế xe ôm lâu năm tại khu vực quận 1, TP.HCM, nay chuyển qua chạy Grab, cho biết bến xe, sân bay tại TP.HCM là những điểm nóng mà tài xế công nghệ không được đứng chờ khách.

"Nếu muốn "hóng bíp" (tin nhắn báo khách đặt xe - pv) ở bến xe Miền Đông, chúng tôi không được đứng trước cổng bến xe, nơi có đông cánh xe ôm truyền thống ‘đóng chốt’. Thường tài xế công nghệ đứng gần đó, chờ khách xác nhận rồi gọi điện hỏi chi tiết khách ở cổng số bao nhiêu để chạy đến rước và phải rời đi ngay", anh Hùng cho biết.

Trong khi đó, Giám đốc Grab Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết hãng đã chủ động làm việc với cơ quan chức năng, đồng thời đề nghị các bến xe, nhà ga hỗ trợ cho tài xế GrabBike trong việc đưa, đón khách đặt qua ứng dụng.

“Tính đến nay đã có hơn 100 vụ tài xế GrabBike bị hành hung, nhưng chưa vụ nào được xử lý thoả đáng. Vì vậy, Grab rất mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ ổn định tình hình trật tự tại các điểm nóng hay xảy ra tranh chấp giữa xe ôm truyền thống với GrabBike để tránh căng thẳng kéo dài”, ông Tuấn Anh nói.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.