Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển. (Ảnh: Báo Chính Phủ).

Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bình Định và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. 

Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm (giá so sánh 2010).

Tăng trưởng của các ngành kinh tế giai đoạn 2021 - 2030: ngành nông nghiệp tăng 3,2% - 3,3%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 12,2% - 13,2%/năm; dịch vụ tăng 8,1% - 8,3%/năm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,4% - 10,7%/năm.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: ngành nông nghiệp chiếm 16,8% - 17,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41,3% - 43,3%; dịch vụ chiếm 34,8% - 35,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,1% - 5,3%.

GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người (tương đương khoảng 7.500 - 7.900 USD).

Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa.

Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây. 

Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không. 

Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển và trật tự xã hội trên địa bàn được đảm bảo vững chắc.

Đưa Bình Định trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo

Theo phương hướng phát triển, ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là trụ cột để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao (dịch chuyển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sang lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao như: chế biến sâu nông - thủy - hải sản, linh kiện điện tử, bán dẫn, dược phẩm), công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những lĩnh vực đột phá, góp phần đưa tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.

Chú trọng thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối và nguồn năng lượng mới (hydrogen/amoniac xanh…); các dự án sản xuất thép quy mô lớn, đóng tàu, sản xuất thiết bị phụ trợ điện gió có công nghệ tiên tiến để nâng cấp xây dựng hạ tầng kỹ thuật sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế. 

Phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao

Phát triển dịch vụ theo hướng tỉnh Bình Định trở thành trung tâm văn hóa; du lịch; vận tải biển; ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ và đổi mới sáng tạo; các dịch vụ khác của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên. Gắn phát triển dịch vụ với tiến trình chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tỉnh. Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa các dịch vụ thiết yếu như thương mại, bán buôn, bán lẻ để đáp ứng nhu cầu dịch vụ cơ bản của Nhân dân.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng như du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - thể thao biển, du lịch khoa học - du lịch MICE, du lịch di sản văn hóa. Đưa Bình Định trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp, hiện đại, xanh, an toàn, thân thiện và giàu bản sắc văn hóa; tăng cường kết nối các địa bàn trọng điểm du lịch trong tỉnh, liên kết vùng và liên vùng. Xây dựng khu Phương Mai - Núi Bà trở thành khu du lịch quốc gia.

Đến năm 2030, Bình Định trở thành trung tâm nông - lâm - thủy sản ứng dụng công nghệ cao

Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Bình Định sẽ phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, Bình Định trở thành trung tâm nông - lâm - thủy sản ứng dụng công nghệ cao, gắn với các trung tâm dịch vụ logistics và chế biến xuất khẩu nông sản của tỉnh và khu vực. Khẳng định giá trị và thương hiệu nông sản thông qua sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thương mại điện tử hàng nông sản; ứng dụng công nghệ block-chain trong truy xuất nguồn gốc nông - thủy - hải sản...

 
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.