Bình Định sắp làm tuyến đường gần 10 km kết nối với sân bay, mở rộng không gian Phù Cát về phía tây

Tuyến đường phía Tây huyện Phù Cát (KCN Hòa Hội - khu vực sân bay Phù Cát) có chiều dài 9,8 km, tổng vốn gần 400 tỷ đồng với mặt cắt ngang 12 m, dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025,

UBND huyện Phù Cát, Bình Định vừa qua đã công bố một báo cáo liên quan đến dự án Đường phía Tây huyện Phù Cát (tuyến từ Khu công nghiệp Hòa Hội đến khu vực sân bay Phù Cát). Dự án này được HĐND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 23/3 vừa qua.

Tuyến đường được xây dựng với tổng chiều dài khoảng 9,8 km. Điểm đầu giao với đường ĐT.634 đoạn Khu Công nghiệp Hòa Hội, xã Cát Hanh. Điểm cuối giáp với Quốc lộ 19B, ngã tư rẽ vào cụm công nghiệp Tân Đức, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, cách cổng sân bay Phù Cát khoảng 5 km về phía tây.

Vị trí tuyến đường nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Khu vực thực hiện dự án sẽ có diện tích khoảng 17 ha thuộc xã Cát Hanh, xã Cát Hiệp, Thị trấn Ngô Mây, xã Cát Tân huyện Phù Cát và xã Nhơn Mỹ thị xã An Nhơn. Hiện trạng bao gồm: 4,2 ha đất lúa; 3 ha đất trồng lúa nước; 1,2 ha đất trồng lúa khác; 2,1 ha đất trồng cây hàng năm; 6,5 ha đất trồng cây lâu năm; 2,1 ha đất rừng sản xuất; ngoài ra còn có 0,9 ha đất phi nông nghiệp.

Trên tuyến dự án có một số khe suối nhỏ hình thành khi trời mưa, một số vị trí được bố trí cống tròn để thoát nước. Tại điểm đầu và điểm cuối của tuyến dân cư sinh sống đông đúc, tập trung dọc tuyến đường hiện trạng. Khu vực dự án có một số hộ dân sinh sống.

Về hướng tuyến, từ điểm đầu tuyến đi mới hoàn toàn theo hướng Nam cắt qua vùng ruộng lúa và hoa màu, đất nông nghiệp tiếp giáp với đường Lê Hoàn (phía tây Khu du lịch suối khoáng Hội Vân); tuyến tiếp tục cắt qua đất nông nghiệp tiếp giáp với đường Trần Hưng Đạo tại phía đông CCN Cát Hiệp, cắt qua khu nghĩa địa Công giáo và phía đông nghĩa địa thị trấn Ngô Mây; tuyến tiếp tục đi qua đất nông nghiệp và Khu dân cư Tân Lệ, xã Cát Tân và đến điểm cuối giáp với quốc lộ 19B.

Tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ góp phần mở rộng không gian huyện Phù Cát về phía tây và kết nối giao thông với thị xã An Nhơn.

Về quy mô, đây là dự án nhóm B, công trình giao thông đường bộ cấp II, tốc độ thiết kế 40 km/h, trong đó đoạn đi qua địa phận huyện Phù Cát khoảng 8,9 km và đoạn qua thị xã An Nhơn khoảng 0,9 km. Mặt cắt ngang của tuyến sẽ là 12 m, trong đó bề rộng nền đường là 11 m.

Trên tuyến sẽ có một nút giao với đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội kéo dài, hiện trạng là ngã ba giao bằng, giai đoạn đầu tư sẽ thiết kế dang ngã tư cùng mức, phân luồng giao thông bằng đảo tam giác, điều khiển bằng đèn tín hiệu. Các nút giao dân sinh sẽ được thiết kế vuốt nối vào tuyến chính với bán kính vuốt nốt tối thiểu 3 m.

Bên cạnh đó, tuyến sẽ xây dựng 5 cây cầu, bao gồm cầu Hội Vân 1 (dài 32 m); cầu vượt Kênh Văn Phong (dài hơn 17 m); Cầu Hội Vân 2 (dài hơn 56 m); Cầu Hội Vân 3 (dài hơn 44 m) và cầu Suối Đục (dài gần 583 m).

Tổng mức đầu tư cho tuyến đường này là 396 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025. 

Một trong số các tuyến đối ngoại của Phù Cát

(Ảnh: vinwonders.com).

Theo Đồ án quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 Hệ thống giao thông đối ngoại của Phù Cát sẽ bao gồm các tuyến đường như sau.

Đầu tiên, xây dựng tuyến đường vành đai về phía đông thị trấn Ngô Mây nhằm từng bước thay thế tuyến đường Quốc lộ 1 hiện hữu (đường 3 Tháng 2), quy mô 4 - 6 làn xe; xây mới tuyến đường từ Khu công nghiệp Hòa Hội đến sân bay kết nối quốc lộ 19B, quy mô 4 - 6 làn xe (dự án được đề cập ở trên).

Tiếp đến là xây dựng đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài định hướng mở rộng quy mô 6 - 8 làn xe giai đoạn đến 2040. Đầu tư nâng cấp hệ thống đường tỉnh đi qua địa bàn huyện bao gồm: ĐT.633, ĐT.634, ĐT.638, ĐT.640.

Ngoài ra, bổ sung tuyến đường mới phía bắc huyện Phù Cát; chỉnh tuyến ĐT.633 hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến các khu dân cư hiện trạng, tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 4 làn xe.

Phù Cát là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như: nuôi trồng thủy sản, du lịch biển,...và đang dần phát triển các khu, cụm công nghiệp về phía tây của huyện.

Tuy nhiên, mạng lưới giao thông theo hướng bắc - nam của địa phương này chưa thể đáp ứng nhu cầu phát huy các lợi thế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Các trục giao thông chính của huyện đã hình thành theo hướng bắc - nam ngoài QL1A còn có tuyến đường phía tây tỉnh Bình Định (ĐT.638) và đường ven biển, quy mô cao nhất cũng chỉ đạt cấp III đồng bằng với 2 làn xe cơ giới.

Theo quy hoạch chung, Phù Cát được xác định là khu vực kinh tế tổng hợp công nghiệp, thương mại, đô thị; dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định.

Quy hoạch nêu rõ sẽ chia Phù Cát thành 3 phân vùng để phát triển, gồm: Phân vùng nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp; Phân vùng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ hậu cần sân bay; phân vùng đô thị, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển.

Khu vực đô thị hóa mạnh của Phù Cát sẽ tập trung vùng phía đông và phía tây Núi Bà, lấy thị trấn Ngô Mây làm hạt nhân, lan tỏa phát triển đô thị về phía Cát Hanh, Cát Trinh, Cát Tân và một phần Cát Hiệp. 

chọn