Bộ Công Thương: Xuất khẩu nửa cuối năm 2020 sẽ khả quan

Bộ Công Thương nhận định trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Theo Bộ Công Thương, kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước, thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước tăng 11,7% so với cùng năm 2019.

Bộ Công Thương nhận định kết quả này đã cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không còn chỉ phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. 

Nhận định này của Bộ Công Thương được đưa ra khi đặt trong tương quan kim ngạch xuất khẩu của cả nước và kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có tăng trưởng âm, lần lượt là 1,1% và 6,7%.

Xu hướng này đã bắt đầu từ 1-2 năm gần đây, đặc biệt là 2019 khi mà xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn, xuất khẩu của khu vực trong nước vẫn tăng trưởng cao và cao hơn tăng trưởng chung của cả nước. 

Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). 

Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỉ USD. 

Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...

Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có Hiệp định thương mại tự do với EU. Việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước khác trong khối ASEAN. 

Như vậy, giai đoạn hậu dịch COVID-19 tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. 

Năm 2019, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, các công ty đa quốc gia đã rục rịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung nguyên liệu. 

Sang đến năm 2020, dịch Covid-19 được xem như một cú hích cho làn sóng này diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, việc kiềm soát tốt dịch Covid-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này. 

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.