Bộ trưởng Bộ Y tế: Người dân chưa tin vào bệnh viện tuyến địa phương

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người dân chưa tin vào bệnh viện tuyến địa phương. Mức độ hài lòng của người dân dành cho cơ sở y tế tuyến dưới cũng thấp.

Trong cuộc họp báo chiều 26/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề cập đến một số vấn đề như: Đổi mới thái độ phục vụ của cán bộ ngành y tế; điều chỉnh giá dịch vụ; giảm quá tại tại bệnh viện tuyến trên; đổi mới cơ chế tài chính; thực hiện xã hội hóa ngành y tế; tổng kết về tuyến y tế cơ sở; đổi mới hệ thống đào tạo y tế.

Đổi mới thái độ phục vụ của cán bộ y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế đã có những bước đột phát nhất trong khoảng 5 năm gần đây, đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ công nhân viên. Đặc biệt là Bộ Y tế đã xây dựng đề án đổi mới phong cách, thái độ phục vụ với 83 tiêu chí đánh giá và đã có 100% cán bộ y tế ký cam kết thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục phục vụ.

bo truong bo y te nguoi dan chua tin vao benh vien tuyen dia phuong
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí về các vấn đề y tế trong năm 2016. (Ảnh Công Phương)

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng lập đường dây nóng, đường dây góp ý qua facebook, zalo,... để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân cũng như hướng dẫn người dân trong việc khám chữa bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế đã bố trí hợp lý hơn các khu khám bệnh để thuận tiện cho bệnh nhân đến khám, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Việc xây dựng cơ sở y tế xanh sạch đẹp cũng được cụ thể hóa bằng các tiêu chí như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế.

Bộ trưởng cho hay, năm qua, ngành Y tế đã tăng cường quản lý các dịch vụ đầu vào như bảo vệ, gửi xe, cantin, siêu thị hay những người dọn vệ sinh... nhằm nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hoá cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự hài lòng cho người bệnh…

Theo kết quả đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 22 bệnh viện (11 bệnh viện tuyến Trung ương, 8 bệnh viện tỉnh và 3 bệnh viện huyện) trong thời gian gần đây cho thấy: Mức độ hài lòng của người bệnh về chung về thời gian khám bệnh đạt 81,1%; Mức độ hài lòng của người bệnh về thời gian khám bệnh chung đạt 81,3% (tuyến Trung ương: 77,9%; tuyến tỉnh: 87,3%; tuyến huyện: 77,5%); Mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế: đạt chung 89,8% (Trung ương: 88%; tỉnh: 94%; huyện: 85,7%).

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ khiếm nhã với người bệnh và người nhà người bệnh đã bị báo chí phát hiện, người dân phản ánh. Việc quá tải người bệnh ở các cơ sở y tế còn tồn đọng do cơ sở vật chất nên không thể giảm nhanh và giảm mạnh tình trạng này.

Quá tải ở bệnh viện khiến bệnh nhân phải nằm ghép

Chia sẻ về tình trạng nằm ghép bệnh nhân và quá tải, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, năm qua tình trạng này đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Trong quá trình đi khảo sát trực tiếp tại các bệnh viện và hỏi trực tiếp người dân, Bộ trưởng cũng phát hiện ra còn tình trạng nằm ghép bệnh nhân ngoại trú và nội trú tại Bệnh viện K - Tân Triều hoặc Bạch Mai bị quá tải trong việc khám chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng, việc quá tải này là do người dân chưa tin vào bệnh viện tuyến địa phương. Cách tổ chức của các cơ sở y tế địa phương chưa khoa học, không hẹn được lịch trước với bệnh nhân dẫn đến sáng thì rất đông nhưng chiều lại vắng người khám.

Ngoài ra, việc quá tải còn do người nhà đi theo người bệnh, có trường hợp 1 bệnh nhân có tới 5 người nhà đi cùng. Bên cạnh đó, một số khoa luôn nằm trong tình trạng quá tải nên việc nằm ghép chưa thể thực hiện ngay lập tức được như chấn thương, chỉnh hình; ung bướu; tim mạch.

Bộ Y tế đã triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh để chuyển giao công nghệ cao, kỹ thuật và chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới nên một số tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình trước khi chuyển tuyến 100% thì nay chỉ còn từ 5 đến 30% bệnh nhân chuyển tuyến. “Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quyết liệt tăng cường y tế cơ sở”, Bộ trưởng Tiến nói.

Để rút ngắn thời gian khám chữa bệnh của bệnh nhân, ngành Y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin vào bệnh viện vệ tinh. Nếu ngày trước bệnh nhân phải đợi cả tuần để làm các xét nghiệm mới được mổ thì bây giờ thời gian chỉ còn 1-2 ngày là được hội chẩn để mổ, giảm thời gian nằm viện.

Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh

Đây là sự kiện nằm trong top 10 sự kiện nổi bật của ngành y tế năm qua. Bộ trưởng thông tin, hiện nay, đã có 36 tỉnh thành thực hiện việc đưa tiền lương vào giá dịch vụ. Điều đó làm cho việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân đã có những con số vượt trội. Cụ thể, là 81,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (năm 2016 Chính phủ giao 79%).

Theo đó, nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh mua thẻ tăng lên rõ rệt. Những người mua thẻ bảo hiểm không phải mất nhiều chi phí như trước mà được hưởng chất lượng y tế cao hơn.

Trong năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện mức giá có tiền lương đối với người có thẻ bảo hiểm y tế tại 27 tỉnh, thành phố. Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế thì hiện nay, vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012, chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương, thấp hơn mức giá khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ.

Mặt khác, trong thời gian qua, một số cơ sở y tế trục lợi bảo hiểm đã được pháp luật xử phạt nghiêm minh (Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế Gia Lai…). Bộ trưởng thông tin, bộ sẽ giám sát chặt chẽ, nếu đơn vị nào có tính lạm dụng, chỉ định lâm sàng quá mức cần thiết thì bảo hiểm y tế sẽ không thanh toán. Nếu có sai phạm có Nghị định xử phạt hành chính, nếu trục lợi thì cơ quan pháp luật sẽ xử lý triệt để.

Xã hội hóa và đầu tư y tế

Ngành Y tế tăng cường xã hội hóa bằng các biện pháp như liên kết với các nhà máy; khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở khang trang hơn, mua thiết bị...; kết hợp và kêu gọi xã hội cho việc phát triển cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng cũng thông tin việc đề nghị các cơ sở y tế đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa để phát triển ngành y tế, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân và người dân được sử dụng dịch vụ chất lượng cao.

Phải thấy rằng về cơ bản xã hội hóa mang lại hiệu quả tốt trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, một số tồn tại có thể có như lợi ích nhóm; Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là một số trang thiết bị chẩn đoán, kỹ thuật cao; Thiếu sự phối hợp, công nhận kết quả lẫn nhau giữa các bệnh viện.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 15 và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hơn nữa để hạn chế những tồn tại này.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.