Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Các doanh nghiệp ICT hãy thức dậy và chạy như chưa bao giờ được chạy’

"Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam", Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong Diễn đàn cấp cao CNTT&TT Việt Nam 2019 diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay.

Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế công nghệ toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng đến bộ mặt lẫn nền kinh tế của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng, chuyển đổi số đã trở thành một nhu cầu mang tính sống còn để nâng cao năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, bứt phá và dẫn đầu xu hướng.

Diễn đàn cấp cao CNTT&TT Việt Nam 2019 với chủ đề "Vì một Việt Nam hùng cường" tiếp tục nhấn mạnh tính bức thiết của quá trình chuyển đổi số, đồng thời đưa ra những động thái mang tính vĩ mô lẫn thực tiễn để thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Việt Nam phải có thêm 50.000 doanh nghiệp ICT

Chính phủ Việt Nam xác định, chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế-xã hội định hình nó.

Chuyển đối số quan trọng như thế nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là các doanh nghiệp ICT Việt Nam.

68240738_436453386954725_1905745859035791360_n

Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT&TT Việt Nam 2019. (Ảnh: Thiên Trường).

"Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số.

Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, khoảng 10-20 doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực.

Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta có hàng ngàn doanh nghiệp, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms chuyển đổi số.

Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Dự kiến, Việt Nam sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này.

Bốn là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này thì đã là rất thành công.

67800504_1179720982236565_4760496408916656128_n

Diễn đàn cấp cao CNTT&TT Việt Nam 2019 thu hút rất nhiều doanh nghệp tham dự. (Ảnh: Thiên Trường).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi một khối lượng công việc khổng lồ, là một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị, các doanh nghiệp ICT phải nhận lấy một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

"Các bạn đã được đất nước này nuôi dưỡng nhiều năm nay, đã học hỏi được nhiều tri thức trong chặng đường phát triển trước đây, bây giờ là lúc cần đến để làm những điều lớn lao cho đất nước. Hãy thức dậy và chạy như chưa bao giờ được chạy!", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

"Tôi rất mong các bạn cùng các doanh nghiệp của mình hãy cùng kề vai sát cánh, mạnh mẽ đột phá vươn lên, để dân tộc Việt Nam chúng ta sớm được sánh ngang vai các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi", Bộ trưởng gửi gắm.

Việt Nam trong chuyển đổi số: Lợi thế của kẻ đi sau

Hiện tại, nếu Việt Nam muốn chuyển đổi số thì phải trải qua hai quá trình: Thứ nhất là số hóa. Không chỉ con người được số hóa mà tất cả các vật vô tri vô giác sẽ được số hoá.

Thứ hai là hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo. Và đây mới là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số.

Screenshot (24)

Cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam khi chuyển đổi số thành công. (Nguồn: Diễn đàn cấp cao CNTT&TT Việt Nam 2019).

Tuy là thách thức với nhiều quốc gia nhưng lại là lợi thế của các nước đang phát triển, đặc biệt như Việt Nam, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0.

Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới. "Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Chia sẻ về các cơ hội cho nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ, Việt Nam có hàng ngàn báo và tạp chí, nếu từng cơ quan này phải đầu tư nền tảng số thì sẽ rất tốn kém, nhiều cơ quan báo chí không đủ nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực để đầu tư.

"Nhưng nếu có một Platform để các báo có thể lên đó, tiếp cận người đọc, tiếp cận quảng cáo thì hàng ngàn cơ quan báo chí có thể chuyển đổi sang môi trường số rất nhanh", ông Nguyễn Mạnh Hùng hào hứng nói.

Lời giải nào cho bài toán chuyển đổi số ở Việt Nam?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để chuyển đổi số thành công, Việt Nam cần tập trung vào 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo.

Về thể chế, quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hóa Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.

Về hạ tầng thì quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như IoT, Big Data, AI, AR.

Nhắc đến vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người.

Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực.

"Chuyển đổi số là chặng đường dài nhiều thập kỉ, liên quan đến mọi người nên muốn căn cơ thì ICT phải được coi là kỹ năng cơ bản như biết đọc, biết viết cho học sinh từ cấp học thấp nhất", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.