Mục tiêu lãi 2.000 tỷ đến 2029
Sáng nay 26/4, CTCP Fecon (mã chứng khoán: FCN) tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tính đến 8h55 phút 26/4, tổng số cổ đông tham dự trực tiếp và uỷ quyền là 84 cổ đông với số cổ phần tương ứng 54,69%, đủ điều kiện để tổ chức đại hội.
Báo cáo tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Fecon Phạm Việt Khoa cho biết, kết thúc năm 2023, tổng tài sản của Fecon ghi nhận 8.581 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 2.880 tỷ đồng và lỗ sau thuế 42 tỷ đồng. Đây là năm khó khăn bởi số lượng dự án triển khai ít, hầu hết các công ty thành viên trong hệ thống đều ghi nhận lỗ.
Cuối năm 2023, Fecon đã ký kết được một số hợp đồng thi công mới, tuy nhiên chưa kịp ghi nhận vào doanh thu 2023.
Năm 2024, doanh thu của Fecon dự kiến đến từ 80 dự án nằm trong danh mục đang phát triển mới hoặc chờ kết quả đấu thầu. Bên cạnh đó là hai dự án Square City Phổ Yên và CCN Danh Thắng - Đoan Bái (Bắc Giang).
Định hướng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2024 - 2029, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hàng năm tăng tối thiểu 15% so với năm trước; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu hợp nhất tối thiểu đạt 5%; tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 10%/năm (bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu).
Cụ thể, kế hoạch doanh thu hợp nhất 5 năm tới (2024 - 2029) lần lượt sẽ là 4.000 - 4.680 - 5.478 - 6.415 - 7.515 - 8.809 tỷ đồng. Tương ứng với đó là lãi sau thuế lần lượt 60 - 144 - 307 - 343 - 508 - 684 tỷ đồng.
Giai đoạn này, Fecon xác định tập trung lĩnh vực xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp làm doanh số chiến lược. Hướng tới thi công các dự án LNG, hạ tầng sân bay, cảng biển, đường sắt, ngầm đô thị, xử lý nước thải... Tham gia một phần các dự án nhà xưởng, dân dụng, ưu tiên công trình có khối lượng hạ tầng lớn và độ khó cao để phù hợp với lợi thế cạnh tranh.
Ngoài thị trường Asean, Fecon sẽ nghiên cứu và xem xét cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh sang Đài Loan, Bangladesh theo hình thức hợp tác với các đối tác lớn.
Tại đại hội, ban lãnh đạo Fecon chia sẻ thêm thêm đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD.
Đầu tiên là khu đô thị Square City tại TP Phổ Yên (tổng vốn 3.600 tỷ đồng, Fecon sở hữu 100%), dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và nhà đầu tư, đang tiến hành giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công tháng 6/2024, hoàn thành bán hàng tháng 6/2026.
Tại Bắc Ninh là khu đô thị Quế Võ (375 tỷ đồng, 51%) đang tiến hành giải phóng mặt bằng chuẩn bị đấu giá đất. Khu đô thị Golden Riverside Sa Đéc (550 tỷ đồng, 51%) đang GPMB và chuẩn bị đấu giá đất.
Khu đô thị tại Mỹ Hào - Hưng Yên (16.000 tỷ đồng, 40%) đã duyệt quy hoạch 1/500, đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, hợp tác với đối tác nước ngoài đấu thầu và triển khai.
Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp Hồ Mường Lựm - Mộc Châu (1.550 tỷ đồng, 70%) đang triển khai lập quy hoạch 1/500. Khu dân cư Bắc Phấn Mễ (250 tỷ đồng, 100%) đang lập quy hoạch 1/500 và tìm đối tác chuyển nhượng.
Khu đô thị Tiên Phong Garden City (4.875 tỷ đồng, 40%) đã cập nhật vào quy hoạch chung TP Phổ Yên và lập quy hoạch 1/500, sẽ cùng đối tác nước ngoài đề xuất dự án.
Khu đô thị mới Cam Ranh (12.000 tỷ đồng, 40%) đã cập nhật vào quy hoạch chung TP Cam Ranh, đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, tìm đối nước ngoài cùng phát triển dự án.
Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái (954 tỷ đồng, 51%) đã chấp thuận nhà đầu tư và chủ trương, đang phê duyệt quy hoạch 1/500, từ quý IV/2024 sẽ GPMB và bắt đầu cho thuê từ cuối 2025, hoàn thành bán hàng trong 2026.
Cuối cùng là Khu công nghiệp tại Bắc Giang (3.500 tỷ đồng, 40%) đang thẩm định chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hợp tác triển khai dự án từ quý IV/2024.
Ngoài ra, Fecon sẽ phát triển các dự án bất động sản đô thị và công nghiệp khác tại các đô thị vệ tinh và các khu vực tiềm năng.
Cổ đông: Kế hoạch kinh doanh 2024 có khả thi hay không? Các dự án lớn sẽ đóng góp vào doanh thu năm nay?
Năm 2023 chúng ta không đạt kế hoạch kinh doanh bởi đây là năm khó khăn về kinh tế, các dự án ký được giá rất thấp và không thu được công nợ, ăn mòn hết lợi nhuận gộp.
Đến thời điểm này, Fecon đã ký được những hợp đồng khá lớn, kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ là khả thi theo đánh giá của ban điều hành cũng như HĐQT. Các gói thầu lớn có thể kể ra ví dụ như: dự án Cảng Lạch Huyện 56 giai đoạn 2; gói thầu tại Cảng Vũng Áng cũng khá lớn, khoảng 1.000 tỷ; các gói thầu liên quan đến hạ tầng như VSIP Cần Thơ; cảng ở Vũng Tàu.
Năm nay dự kiến triển khai gói đường sắt đô thị ký kết từ 4 - 5 năm trước, GPMB xong trong năm vừa rồi, doanh thu khá là hứa hẹn.
Cổ đông: Trong 2023 Fecon có góp khoảng 200 tỷ vào Fecon Hoà Yên (tỷ lệ 36%), mục đích và kế hoạch góp vốn để làm gì?
Ban lãnh đạo: Fecon Hoà Yên nhằm phát triển dự án công nghiệp ở Bắc Giang, hiện nay thủ tục dự án đang xúc tiến, năm nay kỳ vọng sẽ chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như chấp thuận nhà đầu tư đối với Fecon Hoà Yên.
Cổ đông: Doanh thu và lợi nhuận của Điện gió Sóc Trăng (Fecon nắm 56%)?
Trong 2023, Điện gió Sóc Trăng ghi nhận doanh thu 158 tỷ, lỗ sau thuế 12,6 tỷ, chủ yếu do lãi suất ngân hàng tăng đột biến, ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Kế hoạch 2024 sẽ lãi 12,7 tỷ.
Cổ đông: Dòng tiền và dư nợ trái phiếu của Fecon?
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh các năm trước đều bị âm, tuy nhiên 2023 đã cải thiện lên mức dương, đến từ việc cuối 2023 Fecon trúng một loạt hợp động giá trị lớn và đã được tạm ứng.
Năm nay Fecon sẽ tiếp tục thu hồi các công nợ cũ tồn đọng khó đòi; gia tăng đàm phán tăng giá trị tạm ứng công trình mới; giữ thời gian thanh toán back to back với nhà thầu để đảm bảo vòng quay khoản phải trả/phải thu; sàng lọc kỹ khoản đầu tư dự án, chọn các chủ đầu tư tốt; công ty cũng dự kiến thoái khoản vốn dự án Sóc Trăng, từ đó sẽ cải thiện dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lỗi.
Về tình hình phát hành trái phiếu, hiện dư nợ của công ty là 126 tỷ đồng, khoản trái phiếu này phát hành thành công vào tháng 12/2023, các thông tin đã được công bố. Với Fecon, việc thanh toán lãi và gốc trái phiếu đều đảm bảo trả đúng hẹn.
Cổ đông: Vì sao chậm trả cổ tức 2022?
Năm 2023 lãi gộp của Fecon đã cải thiện khá tốt vì tập trung vào các dự án cốt lõi, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế âm, công ty mẹ dương nhưng rất nhỏ, do chi phí tài chính doanh nghiệp quá lớn. Chúng ta đầu tư vào một vài danh mục nhưng chưa thoái được, dòng tiền phải vay ngân hàng nhiều trong khi các hoạt động thi công thu hồi rất chậm, đến cuối 2023 mới nhích được một chút thu công nợ. Những khoản tưởng chừng lãi lại phải đi trả ngân hàng.
Điều này dẫn đến không có tiền trả cổ tức 2022 đúng quy định, lùi hai lần, công ty cam kết trả vào quý IV/2024. Hy vọng từ 2025 trở đi tình hình khởi sắc trở lại, không còn nợ cổ tức.
Cổ đông: Có phải thị trường xây dựng hiện cạnh tranh rất gay gắt?
Mặc dù doanh thu 2024 chúng ta đặt mục tiêu khá cao là 4000 tỷ, nhưng các hợp đồng dự kiến làm thì margin rất thấp, để cạnh tranh được thì phải xác định lợi nhuận cực kỳ thấp, lợi nhuận từ công tác thi công không nhiều, chỉ vượt qua điểm âm để duy trì hoạt động sản xuất của công ty.
Với các dự án giá trị cao thời gian tới hy vọng sẽ lấy lại được margin và có lợi nhuận tốt hơn, đặc biệt là các dự án công nghiệp, đô thị. Còn nếu thị trường xây dựng cứ như 2 năm vừa rồi thì lợi nhuận sẽ tiếp tục cực kỳ thấp. Có doanh nghiệp doanh thu 10.000 tỷ nhưng lãi chỉ 30 - 40 tỷ.
Cổ đông: Tác động của ba luật mới đến thị trường bất động sản và mảng bất động sản của Fecon?
Các luật mới được thông qua dựa trên sức ép, nhu cầu của các nhà đầu tư bất động sản. Đối với Fecon chúng tôi không ảnh hưởng nhiều lắm, với mảng công nghiệp thì luật giao cho các tỉnh chủ động nên mảng này sẽ thông thoáng hơn.
Luật Nhà ở thì Fecon không làm nhà ở nhiều nên không ảnh hưởng. Thời gian tới các luật này dự kiến sẽ còn điều chỉnh. Các dự án của Fecon hiện khá là thuận so với sự thay đổi của các luật.
Về thị trường bất động sản nói chung, chúng tôi thấy các đối tác đầu tư từ Nhật Bản, Singapore vào Việt Nam làm bất động sản khá nhiều, cả công nghiệp và đô thị, gần đây khởi công rất nhiều. Fecon có đối tác chiến lược Nhật Bản và một số đối tác Singapore, đang làm việc khá thuận lợi. Còn các dự án nhỏ triển khai 2024 là Square City Phổ Yên và CCN Danh Thắng - Đoan Bái thì nội lực của Fecon có thể chủ động.
Cổ đông: Sự xuất hiện của cổ đông lớn HD Capital?
Mới đây nhất, HD Capital đã nắm trên 5% cổ phần tại Fecon, đây là tin vui vì khi có các quỹ tham gia đầu tư là tín hiệu tốt để chúng tôi có thêm tài chính đầu tư. Hy vọng các dự án của Fecon sẽ được cộng sinh với cổ đông lớn để làm những việc lớn hơn.
Tiếp tục cập nhật...