Điều gì xảy ra khi hàng loạt công ty rời Trung Quốc sang Việt Nam để 'trốn' chiến tranh thương mại?

Được đánh giá là một trong những quốc gia được hưởng nhiều lợi ích từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều bài toán kinh tế trong thời gian tới.

Chiến tranh thương mại với Mỹ đã buộc nhiều nhà sản xuất Trung Quốc phải tìm hướng đi mới.

Sáu mươi công ty linh kiện cung cấp cho Foxconn Technology Group và Samsung Electronics, trước đó được đặt tại Trung Quốc, đã đến "gõ cửa" các khu công nghiệp ở phía đông bắc Hà Nội trong ba tháng qua.

1400x-1 (3)

Nhiều nhà sản xuất lớn đang chuyển hướng đầu tư nhà máy tại Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg).

"Họ đang cố gắng tìm cách 'lách' mức thuế quan mà Hoa Kỳ đang áp với các sản phẩm của Trung Quốc. Những nhà sản xuất này cần phải vào Việt Nam ngay bây giờ, ngay lập tức. Chúng tôi có đội ngũ xây dựng đang chờ đợi", Peter Chang, Phó Tổng giám đốc của Công ty TNHH Phát triển đất đai Shun Far, điều hành Khu công nghiệp Thuận Thành II, chia sẻ.

Ông Chang đang đàm phán với người dân lân cận để chuyển đổi ruộng lúa thành đất khu công nghiệp, nhằm tận dụng "sự bùng nổ" về số lượng nhà máy sắp tới.

Ông Phan Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc của Kinh Bắc City Group, cho biết đã tiếp đón 90 công ty nước ngoài trong năm nay đang tìm cách di chuyển vào khu công nghiệp phía bắc Việt Nam. GoerTek, nhà cung cấp của Apple có trụ sở tại Trung Quốc, đã bắt đầu một dự án mở rộng nhà máy trị giá 260 triệu USD tại đây.

Ngày càng nhiều những nhà sản xuất chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư nhà máy. Bloomberg đánh giá, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, giá nhân công khá rẻ, chính phủ ổn định và môi trường thân thiện với doanh nghiệp. Những điều kiện này đã biến Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các công ty Trung Quốc.

Intel Corp và Samsung đã sớm phát hiện ra điều này. Hai tập đoàn đang sử dụng hơn 182.000 công nhân kết hợp tại các nhà máy lắp ráp chipset và điện thoại thông minh. Các nhà sản xuất giày thể thao và các công ty công nghệ, cũng đang tìm cách chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để "trốn" thuế quan của Mỹ. 

Nintendo và Sharp là những công ty đa quốc gia về công nghệ gần đây nhất công bố kế hoạch di dời các hoạt động sang Việt Nam.

1

Việt Nam đang là quốc gia hàng đầu được lựa chọn để chuyển hướng thương mại. (Ảnh: Bloomberg).

Theo thống kê của Bloomberg, Việt Nam cấp giấy phép đầu tư cho hơn 1.720 dự án trong sáu tháng đầu năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nước ta dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2019 lên tới 6,8%, tỉ lệ cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đang cho rằng, sự phụ thuộc vào xuất khẩu đang làm cho Việt Nam đặc biệt "dễ bị tổn thương" trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Bloomberg nhận định: "Việt Nam đang bị mắc kẹt giữa cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Đất nước 96 triệu dân này được hưởng lợi rất nhiều từ những mâu thuẫn giữa hai siêu cường, xong cũng có nguy cơ bị tấn công bởi những đòn trừng phạt thương mại của Mỹ".

"Việt Nam có tổng giá trị xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 20% GDP cả nước năm ngoái, và đã đạt gần 26% trong 6 tháng 2019. Quốc gia này cũng đang cố gắng thuyết phục chính quyền Trump, rằng họ là những người buôn bán công bằng, thông qua hành động bảo vệ xuất khẩu sang Mỹ. ".

1400x-1 (1)

Việt Nam từng được đánh giá là quốc gia hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung, nhưng lại đang phải đối mặt với khá nhiều bài toán. (Ảnh: Bloomberg).

Thặng dư thương mại hàng năm của Việt Nam với Mỹ đã tăng nhanh chóng, đạt 40 tỉ USD trong năm 2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu này đạt tổng cộng 25,3 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kì năm ngoái, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. 

Chính quyền Trump đã mất cân bằng về nguồn thu, khi một số công ty đang phân phối các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc qua Việt Nam, như một trạm trung chuyển, để tránh thuế quan. Đó là lí do vào tháng 7/2019, Hoa Kỳ đã áp hơn 400% thuế đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan.

2

Mỹ đang thâm hụt thương mại với Việt Nam. (Ảnh Bloomberg).

Sian Fenner, nhà kinh tế học người Singapore tại Oxford Econom, cho rằng xuất khẩu hàng dệt may, máy tính và hải sản sang Mỹ có thể đối diện với nhiều mối đe dọa. Trước đó, Eclat Textile, công ty Đài Loan sản xuất đồ thể thao cho Nike và Lululemon Athletica, đã chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam, để chống lại khả năng có thể bị vướng vào cuộc tấn công thuế quan của Trump.

Theo Fenner, Việt Nam đang có những động thái hết sức mềm mỏng với điều này. "Quốc gia này đã cam kết mua nhiều hàng hóa của Mỹ, từ máy bay của Boeing cho đến các sản phẩm năng lượng, có thể là khí đốt tự nhiên hóa lỏng, để giúp thu hẹp thặng dư thương mại. Việt Nam có thể đề nghị mở rộng tiếp cận thị trường vào các lĩnh vực dịch vụ của mình, như viễn thông, tài chính và bảo hiểm".