Sharp lên kế hoạch dời nhà máy sang Việt Nam. (Ảnh: Nikkei).
Hôm nay, Sharp cho biết họ đã loại bỏ các kế hoạch sản xuất màn hình cho thị trường Mỹ ở Trung Quốc, và thay vào đó sẽ xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam, để tránh bị áp đặt thuế quan trong cuộc chiến thương mại kéo dài.
Nhà máy của Sharp tại Việt Nam sẽ lắp ráp màn hình tinh thể lỏng dùng cho ô tô và sẽ được xuất sang thị trường Mỹ. Một số dây chuyền sản xuất máy tính cá nhân của công ty con, Dynabook, cũng có thể chuyển sang cơ sở mới.
Sharp đưa ra thông báo ngay sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ -Trung vừa kết thúc ở Thượng Hải mà không có thêm tiến triển nào.
"Chúng tôi không biết điều gì có thể xảy đến và khi nào nó đến", Phó Chủ tịch điều hành của Sharp, ông Katsuaki Nomura nói với các phóng viên.
Cũng trong sáng ngày hôm nay, một động thái khá bất ngờ, Tổng thống Mỹ - Donald Trump, đã công bố một mức thuế quan mới đối với 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, bắt đầu từ 1/9. Trong đó, màn hình LCD của Sharp cũng thuộc danh mục hàng hóa chịu mức thuế này.
Không tiết lộ số tiền đầu tư để xây dựng nhà máy ở Việt Nam, nhưng Sharp cho biết cơ sở này sẽ ở gần TP HCM, và đi vào hoạt động từ năm 2020.
Cùng với việc sản xuất màn hình hiển thị xe hơi cung cấp cho thị trường Mỹ, Sharp cũng sẽ sản xuất các máy lọc không khí và các thiết bị điện tử khác để bán tại Việt Nam.
Hiện tại, công ty con Dynabook của Sharp ở Trung Quốc chuyên sản xuất máy tính cá nhân đã ngừng toàn bộ hoạt động, chủ yếu tại các cở sở ở Hàng Châu, Trung Quốc. Dự kiến, các công việc này sẽ được chuyển sang Việt Nam và 10% được chuyển về Mỹ.
Trong báo cáo hôm nay, Sharp cho biết trong quý vừa qua, lợi nhuận ròng tập đoàn này đạt được là 12,5 tỉ yên, giảm 35% so với cùng kì năm ngoái, doanh số cũng giảm 4% xuống 515 tỉ yên.
Đây là quý hai đầu tiên cả doanh số và lợi nhuận của Sharp đều giảm kể từ năm 2016.
Sharp là một tập đoàn sản xuất điện tử của Nhật Bản, thành lập năm 1912, bởi Hayakawa Tokuji.
Sharp là một trong những công ty điện tử hàng đầu thế giới, nằm trong danh sách top 20 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của thế giới, và nằm trong danh sách 100 công ty chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển theo tạp chí IEEE Spectrum.
Năm 2016, Sharp bán lại công ty cho Foxconn với mức giá 5,8 tỉ USD. Với việc mua lại Sharp, Foxconn tiếp quản khoảng 48.000 nhân viên của Sharp, cũng như những công nghệ sản xuất màn hình LCD mà Sharp đang nắm giữ.
Thương vụ này mang nhiều ý nghĩa cho Foxconn, khi hãng tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình đến nhiều nhà sản xuất khác.