Chuyên gia cảnh báo: Sẽ sai lầm khi Trump trừng phạt Trung Quốc bằng thuế quan vào thời điểm này

Kênh truyền hình CNN của Mỹ cho rằng Tổng thống Trump đã chọn thời điểm tồi tệ nhất có thể để khởi động lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Đại dịch Covid - 19 đang đè bẹp nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Mỹ nói riêng. Thất nghiệp tăng vọt, GDP sụt giảm với một tốc độ chưa từng thấy. Doanh nghiệp thua lỗ với hàng loạt hợp đồng sản xuất bị huỷ.

CNN nói rằng vết thương kinh tế còn có khả năng lan rộng hơn nữa, nếu Tổng thống Trump quyết định sử dụng thuế quan hoặc các biện pháp khác để trừng phạt Trung Quốc vào thời điểm này, bởi vai trò không thể thay thế được của quốc gia này trong cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu hiện nay.

Các nhà kinh tế cảnh báo một sự trừng phạt như vậy có thể gây tác dụng ngược, có khả năng biến những gì hiện đang là một cuộc suy thoái trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Chuyên gia cảnh báo: Sẽ sai lầm khi Trump trừng phạt Trung Quốc bằng thuế quan vào thời điểm này - Ảnh 1.

Theo CNN, vết thương kinh tế còn có khả năng lan rộng hơn nữa nếu Tổng thống Trump quyết định sử dụng thuế quan hoặc các biện pháp khác để trừng phạt Trung Quốc vào thời điểm này. (Ảnh: CNN).

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM nói: "Điều này thật điên rồ. Nền kinh tế Mỹ chính xác không cần những điều ấy".

Phố Wall không tỏ ra hài lòng về sự trở lại của "Người đàn ông thuế quan" - danh xưng Trump tự gọi mình là thế. Chỉ số Dow đã giảm 600 điểm, tương đương 2,4% vào chiều thứ Sáu, do lo ngại về những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Trung.

Kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn cực kì dễ bị tổn thương

Trong quá khứ, cuộc Đại khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, bởi một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Năm 1930, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Smoot-Hawley, áp đặt thuế quan đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu hàng hoá vào Mỹ. Các quốc gia khác trả đũa bằng thuế quan riêng của họ đối với những mặt hàng do Mỹ sản xuất.

Lặp lại sai lầm đó có thể làm sâu sắc thêm cuộc suy thoái đang diễn ra, bởi căng thẳng thương mại mới có thể khiến hiệp định thương mại Mỹ - Trung kí kết hồi đầu năm nay sụp đổ. Thuế quan cao hơn, hoặc thậm chí chỉ là những đe doạ đơn thuần, cũng có thể ra tăng áp lực về sự không chắc chắn mà các công ty trên thế giới phải đối mặt.

Nó cũng sẽ tăng thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang quay cuồng vì dịch bệnh.

Chuyên gia cảnh báo: Sẽ sai lầm khi Trump trừng phạt Trung Quốc bằng thuế quan vào thời điểm này - Ảnh 2.

Kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn cực kì dễ bị tổn thương. (Ảnh: Summarizer).

"Phần tiếp theo của Smoot-Hawley là một ý tưởng thật sự điên rồ", Brusuelas nói.

Hãy nhớ rằng thuế quan của Mỹ đối với hàng hoá Trung Quốc không trừng phạt trực tiếp Trung Quốc. Các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ là những đối tượng phải gánh chi phí cho các loại thuế quan đó, chứ không phải Bắc Kinh.

Trước đây, khi Mỹ phát động thương chiến với Trung Quốc là nền kinh tế đủ mạnh để chống đỡ những đòn đánh từ một cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về cuộc chiến thuế quan mới hiện nay lại diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chứng kiến tỉ lệ thất nghiệp lên tới 20%, và GDP giảm tới 40%.

Nói cách khác, nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn cực kì dễ bị tổn thương.

Ít nhất trước ngày thông tin về ý định trừng phạt Trung Quốc bị rò rỉ, Phố Wall đã từng rất lạc quan về triển vọng phục hồi nhanh chóng từ cuộc suy thoái. Sự lạc quan đó đã nâng S&P 500 tăng khoảng 30% so với mức thấp nhất ngày 23/3.

"Rõ ràng là thuế quan mới đã làm lung lay sự lạc quan đó", theo Deepak Puri - CIO tại Deutsche Bank Wealth Management khu vực châu Mỹ. 

"Các cuộc thảo luận về thuế quan mới sẽ là tin xấu, cho cả thị trường tài chính lẫn nền kinh tế Mỹ", Puri viết trong email.

Người Mỹ có thể xem xét "bùng" nợ Trung Quốc?

Nhiều nguồn tin thân cận với chính quyền đã nói với CNN trong tuần này, rằng Nhà Trắng đang xem xét sử dụng các biện pháp khác nhau để chống lại Trung Quốc. Trong đó, đáng chú ý nhất là ý tưởng trả đũa bằng cách dừng trả các khoản nợ của Mỹ đối với Bắc Kinh.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đang có 1,1 nghìn tỉ USD trong Kho bạc Hoa Kỳ. Điều này có thể hấp dẫn với Trump, người đã tự gọi mình là "Vua nợ".

Chuyên gia cảnh báo: Sẽ sai lầm khi Trump trừng phạt Trung Quốc bằng thuế quan vào thời điểm này - Ảnh 3.

Hoa Kỳ đang xem xét từ bỏ các khoản thanh toán lãi cho Trung Quốc để bù đắp chi phí kinh tế trong đại dịch. (Ảnh: CNN).

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marsha Blackburn đã nói với kênh Fox News trong tuần này, rằng Hoa Kỳ nên xem xét từ bỏ các khoản thanh toán lãi cho Trung Quốc để bù đắp chi phí kinh tế trong đại dịch.

"Tôi nghĩ rằng đây là ý tưởng đáng để xem xét trong tương lai", Marsha Blackburn nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng một động thái như vậy sẽ gây bất ổn cao, bởi nó tạo ra một tiền lệ xấu về nợ của Mỹ. Điều đó có thể buộc các công ty xếp hạng hạ tín dụng của chính Hoa Kỳ và làm suy yếu quan điểm rằng Kho bạc Hoa Kỳ là nơi lưu trữ tài sản an toàn nhất trên thế giới - nơi đóng vai trò là chuẩn mực để định giá mọi thứ, từ thế chấp đến trái phiếu.

"Đòi các khoản tiền bồi thường" thông qua việc xiết tài sản Trung Quốc trong kho bạc sẽ "làm suy yếu thị trường tài chính", và "không đúng về mặt pháp lí", theo các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group. Và công ty này nhận định, một động thái như vậy là "cực kì khó xảy ra".

Nhà kinh tế trưởng tại RSM, Brusuelas cảnh báo rằng việc Mỹ huỷ bỏ nợ do Trung Quốc nắm giữ sẽ khiến thị trường "tài chính toàn cầu đóng băng" và khiến cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn.

Trump thích thuế quan hơn

Chuyên gia cảnh báo: Sẽ sai lầm khi Trump trừng phạt Trung Quốc bằng thuế quan vào thời điểm này - Ảnh 4.

"Chúng ta có thể làm điều đó nhưng theo những cách khác. Như thuế quan chẳng hạn", Trump nói. (Ảnh: Ledger Insights).

Các cố vấn kinh tế của Trump đang cố gắng bác bỏ ý tưởng về việc Mỹ sẽ "bùng" nợ Trung Quốc.

"Toàn bộ niềm tin và tín dụng của Mỹ là bất biến. Ý tưởng này nên được dừng lại", Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng ông Larry Kudlow nói với Reuters.

Ngay đến Trump cũng tỏ ra thận trọng trong một chiến lược như vậy. Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc về việc Hoa Kỳ sẽ dừng trả nợ cho Trung Quốc hay không, Trump bày tỏ lo ngại về việc làm suy yếu đồng đô la Mỹ.

"Điều đó sẽ thực sự làm tổn thương nghiêm trọng tầm quan trọng của loại tiền tệ lớn nhất trên thế giới", Trump nói hôm thứ Năm. "Đó là một bước đi mạo hiểm".

Tuy nhiên, Trump không từ bỏ ý tưởng trừng phạt Trung Quốc thông quan các biện pháp thay thế khác, cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. "Chúng ta có thể làm điều đó nhưng theo những cách khác. Như thuế quan chẳng hạn", Trump nói.

Nói cách khác, "người đàn ông thuế quan" đang chiến thắng "vua nợ". Dù bằng cách nào, kinh tế vẫn là kẻ thua cuộc lớn nhất.