Cuộc họp ngày hôm 31/7 là vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý về thỏa thuận dừng các biện pháp trả đũa vào tháng 6, trước bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại kéo dài.
Tuy nhiên, cuộc gặp giữa đại diện thương mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer, và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin với Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He đã kết thúc sớm 40 phút so với dự kiến. Lighthizer và Mnuchin không đưa ra bất kì bình luận nào cho báo chí khi rời đi.
"Các cuộc họp mang tính xây dựng, và chúng tôi hi vọng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại có thể thực thi sẽ tiếp tục ở Washington vào đầu tháng 9 tới", phát ngôn viên Nhà Trắng nói trong một tuyên bố.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt (Ảnh: Business Insider).
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh lại lại đưa ra chỉ trích khi nói: "Tôi tin rằng Hoa Kỳ nên thể hiện sự chân thành và lòng tin tốt hơn".
Trước cuộc đàm phán, ông Trump đã lên Twitter nói rằng Trung Quốc sẽ cố tình kéo dài đàm phán cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 kết thúc, với hi vọng sẽ làm việc với một người khác thuộc đảng Dân chủ.
Cho đến nay, Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế trị giá 250 tỉ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đã trả đũa với hàng nhập khẩu trị giá 110 tỉ USD của Mỹ, chủ yếu là hàng nông sản.
Việc "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên bắt đầu từ những cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang ăn cắp công nghệ của Mỹ, hoặc có những quy định yêu cầu các công ty Mỹ phải chuyển giao nó nếu muốn làm ăn tại đất nước tỉ dân này.
Vòng đàm phán diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc không thực hiện lời hứa của mình vào tháng 6, đó là sẽ tiếp tục mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã phản bác lại rằng Trung Quốc không có động cơ nào để không thực hiện lời hứa, và chưa bao giờ làm như vậy.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ, đi ngược lại các nguyên tắc thương mại.
Nông sản Mỹ chịu nhiều ảnh hưởng từ thương chiến với Trung Quốc. (Ảnh: AEA).
Sau khi cuộc đàm phán ngày hôm qua kết thúc, Hoa Kỳ tuyên bố Trung Quốc đã xác nhận cam kết của họ về việc tăng mua hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ.
Về phía mình, Trung Quốc cho biết họ sẽ xem xét dựa trên nhu cầu và điều kiện thuận lợi từ Mỹ.
Trong một diễn biến có liên quan, tuần qua, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powel đã đề cập đến những tác động của cuộc chiến thương mại trong một cuộc họp báo, sau khi Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỉ.
Jerome Powel nói với các phóng viên, những tác động về thuế quan chỉ là thứ yếu, quan trọng, cuộc chiến thương mại đã đánh gục niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp, tác động tiêu cực tới nền kinh tế nhiều hơn so với những tác động của chính thuế quan.
Tờ Bloomberg đưa nhận định khi cho rằng kì vọng về một bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại là rất thấp.
Hai bên đã đóng băng liên lạc trong ba tháng trước, khi các cuộc đàm phán đổ vỡ. Mỗi bên đều đổ lỗi cho nhau và đều cho rằng mình đã nỗ lực để đạt được thỏa thuận.
Trung Quốc hiện vẫn đang cáo buộc Hoa Kỳ nỗ lực nửa vời trong các cuộc thương lượng.
"Tôi đã kì vọng rất thấp, nhưng rồi vẫn thất vọng." ông David Dollar, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, nói với Bloomberg TV hôm qua. Việc kết thúc sớm vòng đàm phán và bị hoãn lại đến tháng 9 là dấu hiệu cho thấy không bên nào cảm thấy có bất kì sự cấp bách nào về việc đạt được thỏa thuận.
"Ông Trump và ông Tập dường như rất hạnh phúc với tình trạng hiện tại", David Dollar nói. Ông cũng hi vọng các cuộc đàm phán không chính thức sẽ diễn ra thường xuyên hơn, trong khi các bên cố gắng kiềm chế ngăn chặn căng thẳng thương mại trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có quyết tâm biến cuộc khủng hoảng thành một cơ hội mà không cần đến một thỏa thuận thực sự.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kết luận rằng Trung Quốc phải dựa vào nội lực của đất nước, bao gồm vùng nông thôn rộng lớn, để quản lí và đối mặt với những thách thức, áp lực ngày càng gia tăng của nền kinh tế.
Trung Quốc đang muốn biến chiến tranh thương mại thành cơ hội (Ảnh: CNN).
Báo cáo của Bộ Chính trị Trung Quốc không đề cập tới bất kì giải pháp nào về kích thích tài chính, hay bổ sung tiền tệ để bù đắp ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, yếu tố góp phần làm tăng trưởng quý II/2019 của Trung Quốc ở mức thấp kỉ lục, 6,2%.
Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc sẽ ổn định đầu tư sản xuất, tải tạo những khu đô thị cũ, xây dựng các cơ sở hạ tầng như cầu đường, kho lạnh,…
"Trung Quốc sẽ biến khủng hoảng thành cơ hội nhưng sẽ không lấy phát triển bất động sản để kích thích tăng trưởng ngắn hạn", Tân Hoa Xã nói thêm.