Doanh nghiệp dệt may kêu khan hiếm đơn hàng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Báo cáo ngành dệt may nửa đầu 2019 cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, lượng đơn hàng nhận được mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kì.

Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tính từ đầu năm ước đạt khoảng 17,97 tỉ USD, tăng nhẹ hơn 8,6% so với cùng kì năm 2018.

Nhóm hàng may mặc vẫn đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, chiếm gần 80% giá trị, đạt 14 tỉ USD. Xơ sợi đứng thứ hai với 2 tỉ USD. Phụ liệu dệt may lại giảm nhẹ so với cùng kì.

Trong nửa đầu năm, ngành dệt may cũng nhập khẩu 11,39 tỉ USD. Trong đó, giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 9,56 tỉ USD.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn với nhất khi kim ngạch xuất khẩu vải và may mặc ước đạt 7,22 tỉ USD trong 6 tháng, chiếm tỉ trọng gần 50%. Các nước CPTPP đứng thứ 2 với  2,57 tỉ, USD (riêng Nhật Bản đạt gần 1,8 tỉ USD). Hàn Quốc chiếm 8,91%, đạt 5,6 tỉ USD và EU 2,05 tỉ USD...

Năm 2019 là năm mà Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển, song thực tế, tình hình lại không mấy khả quan như năm 2018. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải tình trạng khan hiếm đơn hàng.

sggpdm_hxkb

6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn trong bài toán về đơn hàng. (Ảnh: VnEconomy).

Khối lượng đơn hàng chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kì. Sự chững lại của sợi và phụ liệu cho thấy hai mảng này gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Kim ngạch xuất khẩu đến giữa năm cũng chưa đạt được 50% kế hoạch cả năm 2019, chỉ chạm ngưỡng gần 18 tỉ USD so với 40 tỉ USD mục tiêu đặt ra.

Giải thích về điều này, đại diện của Hiệp hội cho biết chiến tranh thương mại gây ra ảnh hưởng nhất định với ngành dệt may của Việt Nam. Cụ thể, phía Mỹ đánh thuế hơn 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc, nâng mức thuế từ 10% lên 25%, hàng dệt may, xơ sợi chiếm tỉ trọng cao trong số đó.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng phía Trung Quốc có những bước đi riêng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, trong đó có dệt may. Ở chiều ngược lại, mặt hàng may mặc của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trong tổng số gần 2,3 triệu tấn xuất khẩu mặt hàng sợi, tỉ lệ xuất sang Trung Quốc là khá lớn, chiếm tới hơn 60%. Tiêu thụ sợi trong 2019, vì vậy, bị giảm nhịp độ đi đáng kể.

Về việc giải quyết nhu cầu tìm kiếm đơn hàng, Hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu của nhãn hàng, đặc biệt cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc về quy trình xả thải, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, và đi theo con đường phát triển bền vững.

"Ban đầu có thể sẽ tạo ra các áp lực với các công ty, song về lâu dài, điều này là cần thiết để khiến cho các nhãn hàng ghi nhận và tin tưởng những cố gắng minh bạch của doanh nghiệp, qua đó thu hút được nhiều đơn hàng hơn", đại diện của Ban Chính sách – Xúc tiến thương mại và Hợp tác quốc tế cho biết.

Tag:
chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.