Doanh nghiệp dệt may Việt Nam quay cuồng vì đơn hàng toàn cầu bị huỷ đột ngột giữa đại dịch Covid - 19

Ngành dệt may Việt Nam đang quay cuồng vì các đơn hàng toàn cầu bị huỷ đột ngột. Hơn 50.000 công nhân của Vinatex có thể phải tạm nghỉ việc, vì không có thêm đơn hàng mới.

Hàng trăm nghìn lao động dệt may đứng trước nguy cơ thất nghiệp vì Covid - 19

Hãng tin Nikkei Asian Review nhận định, nếu tác động của dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp dệt may sẽ rơi vào nguy hiểm, đe doạ không chỉ nền kinh tế Việt Nam, mà còn cả chuỗi cung ứng toàn cầu, đứng sau các hãng thời trang nhanh như Zara và H&M.

"Sẽ có từ 30% - 50% việc làm trong ngành bị biến mất trong tháng 5", ông Lê Tiến Trường, CEO Vinatex chia sẻ. Hiện công ty này đang có khoảng 200 nhà máy với hơn 100.000 công nhân tại Việt Nam.

Tác động của dịch bệnh đối với ngành dệt may của Việt Nam lần đầu tiên được nhìn thấy là vào tháng 2/2020, khi việc mua sắm nguyên liệu vải từ Trung Quốc bị đình trệ. Mọi thứ chỉ ổn định trở lại vào tháng 3, thì những nguy cơ khác đang đe doạ đánh sập ngành công nghiệp này.

Nhu cầu may mặc đã giảm mạnh tại hai thị trường trọng điểm là Mỹ và châu Âu, nơi nhiều người tiêu dùng đã được lệnh phải ở yên trong nhà để phòng dịch Covid - 19. Các hàng thời trang đã đồng loạt huỷ những đơn hàng cũ và tạm dừng những đơn hàng mới.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đóng băng khi các đơn hàng toàn cầu bị huỷ vì Covid - 19 - Ảnh 1.

Hơn 50.000 công nhân của Vinatex có thể phải tạm nghỉ việc vì không có thêm đơn hàng mới. (Ảnh: Reuters).

Hiện các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đã đóng cửa các dịch vụ không cần thiết. Mặc dù nhà máy vẫn được phép duy trì hoạt động, nhưng dệt may không hề có thêm một đơn hàng mới. Số khác chuyển qua sản xuất khẩu trang, để bù đắp cho những đơn hàng gia công quần áo bị mất.

Vinatex, công ty dệt may chiếm khoảng 10% thị phần ở Việt Nam, với vốn chủ sở hữu Nhà nước lên tới 85%, và 15% còn lại là của công ty Itochu Nhật Bản. Các khách hàng lớn nhất của Vinatex là Zara và H&M.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, các đơn đặt hàng dệt may và giày dép trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm tới 70% theo giá trị. Vinatex dự kiến sẽ mất hơn 1.000 tỉ đồng, tương đương 42,4 triệu USD, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 5. 

Mức sụt giảm gấp đôi lợi nhuận ròng 510 tỉ đồng của doanh nghiệp này trong năm 2019.

Trong kịch bản xấu, nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục bị đóng cửa lâu hơn, Vinatex sẽ chìm sâu vào khủng hoảng, dẫn tới nhiều nhà máy có quy mô vừa và nhỏ buộc phải dừng hoạt động.

Ngay cả khi Việt Nam đang chuyển mình sang hiện đại hoá ngành công nghiệp bằng cách mời gọi các công ty đa quốc gia có tên tuổi như Samsung, Apple,… thì dệt may vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế, chiếm khoảng 10% giá trị xuất khẩu năm 2019.

Hiện Chính phủ đã triển khai gói cứu trợ trị giá 62.000 tỉ đồng để trợ giúp cho những người lao động di cư và các doanh nghiệp chịu thiệt hại vì Covid - 19.

Việc các nhà máy dệt may ở Việt Nam đóng cửa sẽ đe doạ chuỗi cung ứng toàn cầu. Những thương hiệu nổi tiếng như Zara, H&M và Uniqlo sẽ gặp rắc rối về nguồn cung. Trong suốt thập kỉ qua, ngành may mặc châu Á đã khẳng định vai trò không thể thiếu của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 9/4, đại diện ngành dệt may từ 6 quốc gia châu Á đã ra một tuyên bố, yêu cầu các hãng thời trang phải bồi thường đầy đủ cho mỗi đơn hàng bị huỷ. Các khách hàng bao gồm H&M, đang tạm thời đóng băng nhiều hợp đồng mua hàng cho đến khi tình hình được cải thiện. Trong khi đó, một số hãng thời trang khác xin giãn thời gian thanh toán các đơn hàng đã hoàn thành.

Trong ngành công nghiệp điện tử thế giới, người mua thường trả tiền trước cho các nhà cung cấp gặp khó khăn để hỗ trợ dòng tiền. Do vậy, cuộc khủng hoảng Covid - 19 là một môi trường tốt để thử nghiệm một quy trình tương tự với ngành may mặc.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.