Từ đầu năm, ngành dệt may được dự báo sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các yếu tố phục hồi từ các thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý III/2022, thậm chí là đến hết năm.
Dù vậy, các doanh nghiệp cũng lo ngại, bên cạnh tín hiệu tích cực thì vẫn còn đó những thách thức, đặc biệt là về nguồn cung nguyên phụ liệu.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2021, ngành dệt may đã về đích với 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,2% so với năm trước. Năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục là năm bứt phá với ngành dệt may. Với kịch bản tích cực nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 42-43,5 tỷ USD.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2022, dự báo tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu... đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường.
Ông Trương Văn Cẩm cũng cho rằng, điểm sống còn với doanh nghiệp dệt may là phải có đơn hàng, đủ lực lượng lao động và kiểm soát được dịch COVID-19. Các doanh nghiệp muốn lao động gắn bó phải chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cùng các chế độ phúc lợi.
"Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh.
Hơn nữa, cái khó của ngành dệt may là nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, dệt nhuộm. Tại một số địa phương vẫn cảm thấy ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các dự án phát triển lĩnh vực này.
Ngành dệt may đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành", ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), con số dự báo ngành dệt may Việt Nam nói chung có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2022 hoàn toàn có cơ sở.
Bởi lẽ, thế giới dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 tăng khoảng 3%. Cùng với đó, sau thời gian dịch bệnh vừa qua, việc giữ được sự liên tục vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế. Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng.
"Tháng 1 vừa qua, một tổ chức quốc tế đánh giá 27 quốc gia sản xuất dệt may với mức độ hấp dẫn khi đặt hàng năm 2022, Việt Nam đứng đầu, đạt 59/75 điểm, quốc gia thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ đạt 54 điểm, Trung Quốc đạt 54 điểm. Đây là 2 tiền đề khách quan do nội lực của ngành dệt may Việt Nam, sức hấp dẫn và sự cạnh tranh của ngành, đạt mục tiêu tăng trưởng gần như gấp đôi so với tổng cầu thế giới, cải thiện thị phần của dệt may Việt Nam trên trường quốc tế", ông Lê Tiến Trường cho biết.
Tổng công ty May 10 là một trong những doanh nghiệp có đơn đặt hàng tốt trong ngành. Hiện nay, đơn hàng tại doanh nghiệp này đã có đến hết tháng 8/2022, riêng với mặt hàng veston đã có đơn hàng đến cuối năm. Tuy vậy, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp này trong bối cảnh hiện tại, khi Trung Quốc thực hiện Zero COVID, sẽ khiến đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10. (Ảnh: Hằng Trần)
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May10, hiện tổng công ty đang điều chỉnh lại nhận định về thị trường vì sau 4 tháng qua, thị trường có nhiều biến động. Thứ nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thứ 2 là chiến lược Zero COVID từ Trung Quốc, với 50% nguyên phụ liệu dệt may được nhập khẩu từ nước này, dẫn đến việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao.
Với chi phí tăng cao, ông Thân Đức Việt cho hay, giá bán sản phẩm sẽ khó tăng hoặc nếu tăng thì tốc độ tăng giá bán thành phẩm cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào. Sản xuất của doanh nghiệp vẫn phải duy trì, nhưng nếu giá đầu vào tăng quá cao thì nếu không cẩn thận, doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Về nhu cầu, người tiêu dùng phục hồi sau COVID-19 nhưng lại ngay lập tức đối mặt với giá cả tăng cao, buộc phải thắt chặt chi tiêu. Điều này dẫn đến sự đình trệ từ tiêu dùng đến sản xuất, đây là vòng luẩn quẩn.
"Với trường hợp May 10, từ nhiều năm nay, đơn vị đã có chiến lược đa dạng nguồn cung nguyên phụ liệu, như từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Tỷ trọng này sẽ tăng lên và có thể chủ động được trong 5-10 năm tới. Nhưng trong ngắn hạn thì không còn cách nào khác là chấp nhận phương thức vận chuyển khác hơn, tìm kiếm sự chia sẻ từ khách hàng lâu năm, do những tác động từ chính sách Zero COVID của Trung Quốc. Chúng tôi liên tục bám sát từng mã hàng, đơn hàng, tại từng xí nghiệp sản xuất để sản xuất sao cho hiệu quả nhất trong nguy cơ thiếu hụt nguyên phụ liệu hiện tại", ông Thân Đức Việt nói.
Dù đối mặt với khó khăn, song vị đại diện May 10 cũng kỳ vọng, ở thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, châu Âu, sau COVID-19, nhu cầu tiêu dùng sẽ khôi phục; ngoài ra, khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới áp dụng Zero COVID, thì sẽ có sự dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn.
Cũng theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, ngay trong những tháng đầu năm đã diễn ra rất nhiều tín hiệu khác nhau của thị trường từ giá dầu lên, khủng hoảng chính trị Nga-Ukraine, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất… Những sức ép này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn, thay đổi nhu cầu thế giới.
VITAS nhận định, trong số các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam năm 2021, ngoài thị trường Hoa Kỳ có sự phục hồi bằng năm 2019 với khoảng 100 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc, các thị trường lớn còn lại của dệt may Việt Nam khả năng phục hồi thấp, thậm chí thấp hơn năm 2020. Điều này tiếp tục là thách thức cho ngành trong năm 2022.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như: Chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Cùng với đó, việc thiếu nguyên phụ liệu trong ngắn hạn sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn khi đáp ứng đơn hàng cho đối tác.