Chuỗi cung ứng thời trang thế giới vỡ vụn vì Covid-19

Chuỗi cung ứng 2.500 tỉ USD của ngành thời trang đang vỡ vụn bởi đại dịch Covid-19.
Chuỗi cung ứng thời trang thế giới vỡ vụn vì Covid-19 - Ảnh 1.

Tác động khủng khiếp!

“Chúng tôi chắc chắn ông hiểu tác động của đại dịch lên ngành bán lẻ sẽ rất khủng khiếp”. Mostafiz Uddin, ông chủ của Demin Expert, giờ mới thấm thía ý nghĩa của email mà ông nhận được từ nhà bán lẻ thời trang nhanh Peacocks của Anh vào ngày 17/3, khi rất nhiều quốc gia châu Âu và các bang của Mỹ bước vào giai đoạn phong tỏa. 

Email của Peacocks giải thích vì sao công ty này không thể thanh toán tiền hàng cho Demin Expert, một nhà sản xuất Bangladesh với 2.000 nhân viên chuyên may quần jeans cho các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Peacocks (Anh), Inditex (Tây Ban Nha) hay YM Inc (Canada).

Khi người dân bị buộc ở nhà, nhu cầu mua quần áo mới cũng “bốc hơi”. Dù vẫn còn một số nhà bán lẻ kinh doanh qua mạng nhưng nguồn doanh thu của nhiều công ty lớn nhất thế giới đã bị xóa sổ. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên đang ăn vào tiền mặt và hàng tồn kho thì chất cao như núi.

McKinsey ước tính có tới 1/3 công ty thời trang toàn cầu, trong đó có các thương hiệu bán lẻ và trung tâm thương mại tổng hợp sẽ không thể tồn tại sau dịch. Cả chuỗi cung ứng phức tạp của ngành thời trang thế giới trị giá lên tới 2.500 tỉ USD cũng đang vỡ vụn. Các cửa hàng đóng cửa do phong tỏa ở Anh hay New York rất nhanh chóng dẫn đến sự đóng cửa hàng loạt của các nhà máy may mặc ở nhiều nước như Bangladesh, Việt Nam... và tồn kho thì chất cao tại các trang trại trồng bông ở miền Trung Ấn Độ.

Thiệt hại gây ra do sự phong tỏa tại các thị trường phương Tây đã đặt câu hỏi liệu chuỗi cung ứng này có thể được chữa lành một khi nhu cầu phục hồi sau dịch? Đây là câu hỏi khó trả lời bởi các công ty như Demin Expert đang có nguy cơ phải đóng cửa khi Peacocks từ chối thanh toán tiền hàng cho 43.000 chiếc quần jeans đã đặt. Arcadia (Anh) cũng chưa trả 2,5 triệu USD tiền hàng cho Demin Expert.

Chuỗi cung ứng thời trang thế giới vỡ vụn vì Covid-19 - Ảnh 2.

 

Kể từ khi khủng hoảng nổ ra, các công ty may của Bangladesh đã mất hơn 3 tỉ USD, do không được thanh toán tiền hàng, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh (BGMEA). Ngành này chiếm tỉ trọng rất lớn trong doanh thu xuất khẩu của nước này và tuyển dụng tới hơn 4 triệu người, chủ yếu là phụ nữ. Các tổ chức trong ngành ở Bangladesh ước tính hơn 50% lực lượng lao động đã bị sa thải.

Tại Việt Nam, một số công ty may mặc cũng bắt đầu biến mất, theo bà Hoàng Ngọc Ánh, quyền Tổng thư kí Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS). Hồi tháng 4, VITAS ước tính nếu phong tỏa kéo dài đến tháng 6, các công ty may Việt Nam có thể mất hơn 500 triệu USD doanh thu. Con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều vì số liệu chính thức không thống kê thiệt hại của các nhà cung cấp nhỏ.

“Cho đến nay khoảng 400.000-600.000 lao động đã mất việc trong tổng số 2,8 triệu công nhân may. Đây chỉ là con số ước tính và chúng tôi có thể bỏ lỡ một số công ty nhỏ và siêu nhỏ”, bà Ánh nói.

Đi xuống phía dưới chuỗi cung ứng là các nông dân trồng bông như Ganesh Nanote ở Akola, một vùng trồng bông thuộc bang Maharashtra (Ấn Độ). Họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. “Thu nhập của chúng tôi đã rất thấp, vì thế không gánh nổi bất kỳ khoản lỗ nào”, Nanote nói.

Giá bông đã giảm mạnh từ đầu năm khi các đơn hàng bị hủy. Theo cuộc khảo sát tháng 4 đối với 60 nhà máy may Ấn Độ do hãng tư vấn Rajesh Bheda thực hiện, gần 40% đơn hàng đã bị cắt một  phần hoặc hoàn toàn. Dù giá bông gần đây đã khôi phục nhẹ, nhưng Ủy ban Cố vấn Bông Quốc tế dự đoán mức giá trung bình cho niên vụ 2020-2021 sắp tới sẽ giảm xuống mức thấp trong 15 năm.

Bangladesh, Việt Nam, Sri Lanka... nằm trong số những quốc gia mà trong những thập niên gần đây đã trở thành các trung tâm sản xuất toàn cầu thay cho Trung Quốc khi các nhà bán lẻ thời trang tìm cách giảm chi phí nhân công. Cùng lúc đó, các nhà bán lẻ cũng muốn thúc đẩy tiêu dùng thường xuyên đối với các hàng hóa rẻ hơn, mà được gọi là thời trang nhanh, nhằm đẩy mạnh doanh thu, theo Patsy Perry, giảng viên cấp cao về kinh doanh thời trang tại Đại học Manchester. Nhiều thương hiệu thời trang nhanh đã thay hàng mới cứ mỗi tuần.

Bà Perry cho biết nhà bán lẻ luôn ở kèo trên trong mối quan hệ với các nhà sản xuất châu Á và chuyện đòi chiết khấu là rất phổ biến. 

“Nếu một nhà cung cấp nói rằng họ không thể đồng ý các điều khoản nào đó thì nhà bán lẻ luôn có thể tìm nhà cung cấp khác”, bà nói.

Cơn rung chuyển dữ dội

Theo dự báo của Achim Berg, đứng đầu mảng tư vấn thời trang ở McKinsey, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp trong ngành thời trang sẽ đón nhận cơn rung chuyển dữ dội. Để đối phó với cơn rung chuyển này, H&M cam kết sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất và người lao động bằng cách thanh toán tất cả các đơn hàng, bao gồm cả những hàng hóa đang sản xuất. 

“Chúng tôi muốn đảm bảo sự sống còn trong tương lai của ngành một khi khủng hoảng qua đi”, H&M nhận định. Những công ty khác như Inditex, Marks & Spencer và Phillips-Van Heusen cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng của họ.

Chuỗi cung ứng thời trang thế giới vỡ vụn vì Covid-19 - Ảnh 3.

Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ bị cáo buộc đã hành động quá chậm. Ông Achim Berg thuộc McKinsey thì cho rằng đó là vì một số đơn vị không còn khả năng chi trả cho nhà cung cấp.

“Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ngành thời trang trong hơn 100 năm qua”, ông nói. Ông tin rằng bộ mặt của chuỗi cung cấp sẽ rất khác trong tương lai. Các khách hàng của Achim đang tìm cách rút ngắn thời gian mà một chiếc áo sơ mi từ lúc được đặt hàng cho đến khi có mặt ở các cửa hàng, đồng thời cải thiện tính linh hoạt khi đối mặt với các cú sốc giảm nhu cầu. 

“Những tuần qua đã cho thấy sự mong manh dễ vỡ của chuỗi cung ứng và khiến nhiều người nhận ra rằng họ cần phải gần hơn với nguồn hàng của mình”, ông nói thêm.

Nhận định này đồng nhịp với những ý kiến kêu gọi các nhà bán lẻ đưa sản xuất trở lại gần hơn với quê nhà, nhưng theo Carry Somers, nhà thiết kế và nhà sáng lập tổ chức Fashion Revolution, “ngành thời trang là phao cứu sinh đối với hàng triệu con người, đặc biệt giúp những người phụ nữ thoát nghèo”.

Paul Lister, thuộc Primark, cho rằng dịch Covid-19 sẽ không tác động đến quyết định di chuyển sản xuất của các nhà bán lẻ trong tương lai. 

“Tôi nghĩ hệ thống rất linh hoạt”, Lister dẫn chứng Primark đang làm việc với hơn 700 nhà cung cấp từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Campuchia. Ông nói việc đưa chuỗi cung ứng đi sâu vào châu Á là rất quan trọng, cho phép Primark giảm thiểu chi phí.

Hiện tại, nhà máy của ông Uddin đang hoạt động chỉ 30% công suất từ đầu tháng 5. Nhưng kho hàng của ông thì đang chất đống những chiếc quần jeans mà ông lo rằng sẽ chẳng bao giờ bán được. Trừ phi nhà bán lẻ chịu trả tiền hàng, nếu không công ty sẽ phải phá sản.


chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.