Dệt may đang điêu đứng, mất 11.000 tỉ đồng vì dịch Covid-19, trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng

Theo Vinatex, thiệt hại của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ trầm trọng và thấy rõ nhất trong quý II này. Khi số lượng đơn hàng bị hủy và hoãn lại, doanh nghiệp dệt may sẽ trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng.

Dệt may trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may trong nước đang điêu đứng vì dịch bệnh Covid-19. "Ông lớn" trong ngành cho rằng giai đoạn đầu năm tuy có thiệt hại nhưng chắc chắn không nghiêm trọng bằng thiệt hại mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong quý II này.

Cụ thể, Vinatex cho biết ngành may mặc đối mặt tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng.

Ngành dệt may điêu đứng, trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng vì Covid-19 - Ảnh 1.

Dệt may trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng vì dịch Covid-19. (Ảnh: Thanh Niên).

Doanh thu nhiều doanh nghiệp trong quý I/2020 giảm ngay 20%. Nếu như trước đây, thời gian mở LC chỉ 60 ngày thì hiện nay tăng gấp đôi thành 4 tháng. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB thì càng khó khăn, do vốn đọng ở nguyên phụ liệu. Điều này khiến các doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của các ngân hàng.

Song song hủy đơn là tình trạng giãn đơn hàng, các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu giờ chỉ hoạt động trong trạng thái cầm cự trong tháng 4, còn đến tháng 5 hoàn toàn chưa có đơn hàng mới. 

Theo Vinatex, nhiều doanh nghiệp còn chuyển sang may khẩu trang với hi vọng sẽ duy trì được việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, hiện thị trường trong nước đã bão hòa, không đảm bảo được cho các doanh nghiệp may sống sót được hết năm 2020.

Dịch Covid-19 cũng có thể được xem là cú sốc thứ hai liên tiếp của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, bởi trước đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động gián tiếp đến ngành. Khi tình hình vẫn chưa khôi phục và khả quan thì Covid-19 đã kéo đến.

"Nhìn chung bức tranh xuất khẩu cho dệt may Việt Nam năm 2020 chưa đón nhận tin tức tốt đẹp, mà phủ bằng gam màu u ám. Kì vọng với sự nỗ lực của Chính phủ các nước, dịch bệnh có thể sớm được đẩy lùi vào cuối quý II/2020", Vinatex cho biết.

Ngành dệt may thiệt hại 11.000 tỉ vì Covid-19

Theo nhận định của Vinatex, quý II sẽ là quý các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19, sau đó giảm dần từ quý III và kì vọng sớm nhất có thể trở lại giao dịch thông thường vào quý cuối cùng của năm.

Ngành dệt may điêu đứng, trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng vì Covid-19 - Ảnh 2.

May khẩu trang cũng không thể cứu nổi doanh nghiệp dệt may. (Ảnh: Vinatex).

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý I/2020 đạt 8,4 tỉ USD, giảm 2% so với cùng kì, do các doanh nghiệp có các đơn hàng đã đặt từ cuối năm ngoái. 

Riêng tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may sụt giảm gần 7,5% sau khi các thị trường EU, Mỹ có chủ trương đóng cửa từ giữa tháng 3.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng lan rộng, áp lực về tài chính và lao động là rất lớn đối với doanh nghiệp.

Vinatex cho biết trong tháng 4, khoảng 30% công nhân thiếu việc, sang tháng 5, đến 50% thiếu việc. Nhưng với mức lương tối thiểu theo luật, bình quân 4,2 triệu đồng/tháng, dẫn đến tổng thiệt hại ước tính 5.040 tỉ đồng. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài thêm, mỗi tháng thiệt hại trung bình của ngành khoảng 3.000 tỉ đồng.

Không chỉ nhân công mà nguyên liệu nhập về bị hủy đơn hàng không dùng đến. Trung bình giá trị nguyên liệu nhập khẩu mỗi tháng là 1,5 tỉ USD, nếu giả thiết có 20% hủy đơn hàng thì sẽ có 300 triệu USD vật tư nhập về không được sử dụng, tiểm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển. Ước đến hết năm 2020, số hàng tồn tháng 4-5 sẽ mất giá trị khoảng 300 triệu USD.

Vì vậy, Vinatex tính toán nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 5, phục hồi từ tháng 6 thì toàn ngành sẽ thiệt hại xấp xỉ 11.000 tỉ đồng.

Vinatex đánh giá 2020 sẽ là năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Kịch bản khả quan là kim ngạch xuất khẩu khoảng 35 tỉ USD, giảm 10% so với năm trước; kịch bản hiện thực là khoảng 33,5 tỉ USD và xấu nhất chỉ từ 30-31 tỉ USD.

Vinatex có thể chỉ hoạt động được 70% công suất 

Riêng Vinatex, tập đoàn cho biết không thể nằm ngoài cú sốc chung của toàn ngành, trước ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. 

Quý I/2020 dù đã rất nỗ lực, nhưng doanh thu tập đoàn chỉ đạt trên mức 93% so với cùng kì, tuy nhiên lợi nhuận chỉ bằng 85% so với quý I/2019. 

Tính đến nay, tình hình huỷ, dừng, tạm ngừng đơn hàng đang lan rộng. Trước mắt gần như 100% các đơn vị đã thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5, với tỉ lệ từ 30-70% công suất. Theo đó, thương hiệu càng cao tỉ lệ cắt giảm càng lớn. 

Ngành dệt may điêu đứng, trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng vì Covid-19 - Ảnh 3.

CEO Vinatex Lê Tiến Trường gửi tâm thư cho 120.000 người lao động, khẳng định không ai bị mất việc. (Ảnh: Vinatex).

Vinatex cho rằng vẫn chưa có một tín hiệu nào về thời gian phục hồi, hiện đang dự kiến sớm nhất là tháng 6 mới le lói chút hi vọng bắt đầu phục hồi trở lại. 

Với dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 sụt giảm, nên doanh nghiệp sẽ có tỉ lệ hoạt động cả năm chỉ ở mức 70-75% công suất, với giả thiết sản xuất bình thường từ tháng 6, áp lực thiếu hụt đơn hàng quy về tương ứng 2-3 tháng sản xuất. 

"Mặt khác, rủi ro do Trung Quốc đã hoạt động trở lại, cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới 1 đợt giảm giá mạnh toàn cầu với dự kiến đơn giá giảm trên 20%", Vinatex dự báo.

Trước đó, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex đã gửi tâm thư cho hơn 12.000 người lao động, khẳng định tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên sẽ đồng sức đồng lòng nắm tay nhau vượt qua cơn bão, đảm bảo việc làm, không để ai bị mất việc, không ai bị sa thải, không ai bị bỏ lại phía sau, giữ gìn để doanh nghiệp không bị phá sản.

Ông Trường cam kết Vinatex ưu tiên số 1 cho giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho mọi người lao động, bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới bù đắp lượng việc làm thiếu hụt, do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn. 

Các doanh nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm, trên tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải người lao động, kích hoạt trạng thái "năng lượng thấp - ngủ đông" để sống sót qua mùa dịch.