CEO Vinatex gửi tâm thư cho 120.000 lao động, khẳng định đang ở thời điểm khó khăn nhất lịch sử nhưng không ai bị mất việc

Tổng giám đốc Lê Tiến Trường khẳng định ưu tiên số một của Vinatex là bảo đảm sự an toàn sức khỏe cho người lao động, không để ai bị mất việc, không ai bị bỏ lại phía sau và cam kết trả lương cho 120.000 lao động.

CEO Vinatex: 120.000 người lao động sẽ không ai bị mất việc 

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - ông Lê Tiến Trường, vừa gửi thư đến toàn bộ người lao động, chia sẻ những khó khăn chung của ngành dệt may và doanh nghiệp trước những tác động của đại dịch Covid-19.

Ông Trường nhấn mạnh dịch Covid-19 là thách thức rất lớn, chưa từng có trong quá trình hoạt động đối với những người làm dệt may và Tập đoàn Dệt May Việt Nam, bởi cuộc khủng hoảng y tế đã gây ảnh hưởng đến kinh tế, sản xuất, phân phối khi lần đầu tiên trong lịch sử, cầu thế giới đột ngột dừng lại.

Khó khăn nhất lịch sử vì dịch Covid-19, CEO Vinatex gửi tâm thư cho 120.000 lao động, khẳng định không ai bị mất việc - Ảnh 1.

CEO Vinatex gửi tâm thư cho 120.000 người lao động, khẳng định không ai bị mất việc. (Ảnh: Vinatex).

Dẫn báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, lãnh đạo Vinatex cho biết ngay từ tháng 2/2020, hơn 180.000 doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn phải giảm quy mô, thậm chí sa thải người lao động. 

Mới đây, một kỉ lục mới của nước Mỹ kể từ năm 1967, về số lượng người đăng ký xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, lên tới hơn 6 triệu người. Dự kiến, sau dịch Covid-19 trên thế giới sẽ mất đi khoảng 30-40 triệu việc làm.

"Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước một thách thức rất lớn do sử dụng nhiều lao động, nên thiếu việc làm là hết sức nghiêm trọng", ông Lê Tiến Trường nhận định.

Theo ông, để tránh bị phá sản, bảo vệ nguồn tài chính, một số doanh nghiệp chọn phương án sa thải nhân viên, giảm giờ làm, nghỉ không lương. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp quyết định tất cả lãnh đạo cấp cao, quản lí giảm thu nhập.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam với hơn 120.000 nhân sự, quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng cũng đang đứng trước những rủi ro lớn, khi nhiều đối tác hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020. 

Tổng giám đốc Vinatex cho rằng trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp thiếu từ 30-50% việc trong tháng 4 và tháng 5/2020. Nếu đại dịch không sớm được kiểm soát thì chắc chắn ảnh hưởng sẽ không hề nhỏ.

Tuy nhiên, Vinatex và các doanh nghiệp thành viên sẽ đồng sức đồng lòng nắm tay nhau vượt qua cơn bão. Tập đoàn sẽ bảo đảm sự an toàn sức khỏe cho người lao động, tiếp đó là đảm bảo việc làm, không để ai bị mất việc, không ai bị sa thải, không ai bị bỏ lại phía sau, trong khi vẫn giữ gìn để doanh nghiệp không bị phá sản.

Ông Trường cam kết Vinatex ưu tiên số 1 cho giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho mọi người lao động, bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới bù đắp lượng việc làm thiếu hụt, do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn. 

Các doanh nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm, trên tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải người lao động, kích hoạt trạng thái "năng lượng thấp - ngủ đông" để sống sót qua mùa dịch.

Tập trung sản xuất khẩu trang, quần áo y tế phòng dịch

"Sức khỏe của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi cá nhân, nhân viên, cán bộ và ngược lại. Doanh nghiệp mạnh thì đời sống người lao động được sung túc, doanh nghiệp gặp khó khăn chắc chắn đời sống người lao động cũng gặp khó khăn, thách thức", Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường nhận định.

Khó khăn nhất lịch sử vì dịch Covid-19, CEO Vinatex gửi tâm thư cho 120.000 lao động, khẳng định không ai bị mất việc - Ảnh 2.

Vinatex sẽ tập trung sản xuất khẩu trang, quần áo y tế phòng dịch. (Ảnh: Vinatex).

Theo ông, nếu doanh nghiệp không có việc làm thì sẽ không có tiền để chi trả các chi phí, trong đó lớn nhất là tiền lương. Nếu chỉ trả tiền lương tối thiểu cho người lao động trong 3 tháng thì doanh nghiệp đã không còn một đồng vốn nào. Mấu chốt ở đây là làm sao giữ được dòng tiền trong doanh nghiệp. 

Vì vậy, để đảm bảo đủ lương và việc làm cho người lao động, lãnh đạo Vinatex cho biết trong thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề lớn.

Thứ nhất là tăng cường sản xuất khẩu trang phòng dịch, và sắp tới là khẩu trang y tế, bộ quần áo y tế cho bác sỹ, bệnh nhân, bộ quần áo phòng dịch. 

Ông nhận định đây là những mặt hàng không chỉ phục vụ nhu cầu chống dịch trong xã hội mà còn góp phần giảm bớt khó khăn đối với việc bị hoãn, dừng, hủy đơn hàng kể từ đầu tháng 3 trở lại đây với tất cả doanh nghiệp. 

Thứ hai, lãnh đạo và người lao động cùng giữ niềm tin, tin tưởng vào thắng lợi của doanh nghiệp để vượt qua được khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Đây cũng là dịp để phân biệt doanh nghiệp - doanh nhân tầm thường và những doanh nghiệp - doanh nhân có ý trí vươn lên mạnh mẽ.

"Thời điểm khó khăn là lúc cần sự sáng tạo, tiết kiệm mọi chi phí, năng suất, chất lượng tốt hơn dù thời gian, số lượng công việc có thể ít đi. Người lao động ngành dệt may Việt Nam cần chia sẻ với nhau, để tất cả cùng có việc làm, cùng có thu nhập chấp nhận được và giữ vững đội ngũ của mình. Chúng ta cũng kêu gọi mọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, hạn chế dòng tiền phải đi ra khỏi đất nước", tâm thư của Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường gửi người lao động.