Công ty da giày lớn tại TP HCM phải sa thải hơn 2.000 công nhân giữa dịch Covid-19, ban lãnh đạo cúi đầu xin lỗi công nhân

Công ty da giày Huê Phong tại quận Gò Vấp phải sa thải hơn 2.000 công nhân, do không có đơn hàng giữa ảnh hưởng dịch Covid-19. Ban lãnh đạo công ty cúi đầu xin lỗi người lao động khi đưa ra quyết định khó khăn.

Trên mạng xã hội đang lan truyền một đoạn video ngắn, ghi lại cảnh ban lãnh đạo công ty da giày cúi đầu xin lỗi công nhân, do phải sa thải hàng loạt trong tình hình khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Đó là Công ty TNHH Giày da Huê Phong, có trụ sở Vò Gấp, được thành lập từ năm 1992, bộ phận điều hành chủ yếu là người Đài Loan. Công ty này chuyên sản xuất giày xuất khẩu đi các nước châu Âu và Mỹ. Doanh nghiệp có quy mô lao động gần 5.000 người.

Công ty da giày tại TP HCM cắt giảm hàng nghìn nhân sự, đứng trước nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Công ty da giày tại TP HCM cắt giảm hàng nghìn nhân sự, đứng trước nguy cơ phá sản. (Ảnh: NLĐ).

Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, Công ty TNHH Giày da Huê Phong (Gò Vấp) đã có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP HCM về việc thu hẹp sản xuất.

Công ty đã cho khoảng 2.200 lao động nghỉ việc và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định. 

Trao đổi với Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, cho biết do gặp khó khăn về đơn hàng trong tình hình dịch bệnh nay, nên công ty buộc phải thu hẹp sản xuất. 

Tuy nhiên theo bà Yến, đến nay, công ty chưa cập nhật thêm thông tin nào về việc ngừng hoạt động hay giải thể. 

Lãnh đạo quận Gò Vấp cho hay quận đã kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, để giới thiệu người lao động đã nghỉ việc từ Huê Phong, nếu công việc phù hợp thì họ sẽ được tiếp nhận.

Trước đó, cũng tại quận Gò Vấp, một công ty may mặc khác đã phải tạm dừng hoạt động và đang chờ đơn hàng từ đối tác.

Ngành may mặc được xem là một trong những lĩnh vực bị tác động nặng nề do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp đối mặt tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng từ đối tác, trong khi đó, bản thân doanh nghiệp may mặc lại sử dụng một lượng lớn lao động.

Theo ước tính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, quý II/2020 là quý các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19, sau đó giảm dần từ quý III và kì vọng sớm nhất có thể trở lại giao dịch thông thường vào quý cuối cùng của năm.

Tuy nhiên, trước áp lực tài chính, nguyên vật liệu, không đơn hàng và phải trả lương cho người lao động, lãnh đạo Vinatex thừa nhận nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản, rời thị trường.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.