Sau đại dịch Covid-19, Panasonic tạm biệt Thái Lan, chuyển toàn bộ nhà máy sang Việt Nam

Panasonic sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất các thiết bị lớn tại Thái Lan và chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Hãng đang sử dụng khoảng 8.000 lao động Việt Nam để sản xuất TV, điện thoại không dây, thiết bị đầu cuối thanh toán thẻ và thiết bị công nghiệp.

Asian Nikkei Review đưa tin Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất các thiết bị lớn bên ngoài Bangkok ngay từ mùa thu năm nay và hợp nhất sản xuất với cơ sở lớn hơn ở Việt Nam, trong nỗ lực cắt giảm chi phí để sống sót qua dịch Covid - 19.

Panasonic đã sản xuất các thiết bị gia dụng lớn ở Thái Lan từ năm 1979. Nhưng hãng này vừa quyết định, nhà máy Thái Lan sẽ ngừng sản xuất máy giặt vào tháng 9 và tủ lạnh vào tháng 10. Toàn bộ công xưởng sẽ đóng cửa vào tháng 3/2021, và một trung tâm nghiên cứu và phát triển lân cận cũng sẽ bị đóng cửa.

Khoảng 800 nhân viên đang làm việc tại nhà máy ở Bangkok sẽ kết thúc hợp đồng lao động, nhưng được nhận sự hỗ trợ trong việc tìm kiếm một vị trí công việc khác.

Tạm biệt Thái Lan, Panasonic chuyển toàn bộ nhà máy sang Việt Nam - Ảnh 1.

Hiện các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh... của Panasonic đang sản xuất tại Thái Lan. (Ảnh: Panasonic).

Với việc chuyển đến Việt Nam, Panasonic đang tìm cách giảm chi phí thông qua hợp nhất các bộ phận. Nhà máy Việt Nam nằm ở ngoại thành Hà Nội, là trung tâm sản xuất tủ lạnh và máy giặt lớn nhất của Đông Nam Á.

Hãng khẳng định tổng sản lượng sản phẩm sản xuất sẽ không giảm, dù thay đổi địa điểm sản xuất.

Panasonic đang sử dụng khoảng 8.000 lao động tại Việt Nam. Ngoài các thiết bị lớn, các đơn vị tại đây cũng sản xuất các sản phẩm như TV, điện thoại không dây, thiết bị đầu cuối thanh toán thẻ và thiết bị công nghiệp.

Tạm biệt Thái Lan, Panasonic chuyển toàn bộ nhà máy sang Việt Nam - Ảnh 2.

Nhà máy Panasonic tại Việt Nam sẽ tiếp nhận toàn bộ dây chuyền sản xuất các thiết bị lớn từ Thái Lan. (Ảnh: XuanMaiCorp).

Động thái này phản ánh một giai đoạn mới trong sản xuất của Đông Nam Á. Bắt đầu từ những năm 1970, các nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản đã chuyển sản xuất trong nước sang Singapore và Malaysia, khi đồng yên tăng nhanh sau khi chuyển sang tỉ giá hối đoái thả nổi, làm tổn thương khả năng cạnh tranh về giá của Nhật Bản.

Sau đó, dây chuyền sản xuất chuyển sang các nước như Thái Lan, vì tiền lương của Singapore đã trở nên quá đắt đỏ. Bây giờ các công ty đang tìm kiếm các địa điểm có chi phí rẻ hơn. Đây cũng là động thái để các công ty hi vọng sẽ khai thác được nhu cầu tiềm năng lớn về tủ lạnh, máy giặt và lò vi sóng ở các quốc gia đông dân ở Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Panasonic đang trong quá trình tái cơ cấu, với mục tiêu cắt giảm chi phí khoảng 100 tỉ yên (930 triệu USD) vào năm tài chính kết thúc  tháng 3/2022. Họ đang xem xét những thay đổi tiếp theo đối với việc sản xuất thiết bị của mình.

Năm ngoái, Sharp đã tăng công suất sản xuất máy giặt và tủ lạnh ở Indonesia lần lượt là 30% và 20%.

Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia khác sang Việt Nam cũng đang nóng lên theo từng ngày.

Mới nhất, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, Apple đã khuyên Luxshare-ICT, đối tác đang sản xuất AirPods tại Việt Nam, đầu tư mạnh vào các nhà cung cấp khung vỏ cho iPhone và MacBook.

Hiện Luxshare đã đàm phán với Catcher Technology, nhà cung cấp vỏ kim loại lớn thứ hai thế giới, trong hơn 1 năm qua và sắp tiến tới những bước thỏa thuận tiếp theo.

Nếu thỏa thuận thành công, Luxshare có thể sản xuất khung vỏ kim loại chất lượng cao, kết hợp với hiểu biết về lắp ráp smartphone để đạt trình độ sở hữu gần như toàn bộ chuỗi cung ứng linh kiện điện tử. Làm được điều này có thể giúp Luxshare nhận được hợp đồng sản xuất iPhone từ Apple, cạnh tranh với Foxconn.

Cũng theo Nikkei Asian Review, một ông lớn công nghệ khác là Google đang chuẩn bị bắt đầu sản xuất mẫu điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất, dự kiến tên là Pixel 4A, với các đối tác ở miền bắc Việt Nam ngay sau tháng 4/2020.

Trong khi đó, Microsoft thì dự kiến sản xuất dòng Surface, bao gồm cả máy tính xách tay và máy tính để bàn, ở miền bắc Việt Nam trong quý II/2020. "Sản lượng ban đầu tại Việt Nam nhỏ, nhưng sẽ tăng và đây là hướng mà Microsoft muốn", một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.