Doanh nghiệp dệt may 'cấp cứu' khẩu trang

Bộ Y tế nói mỗi ngày cần 10 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn. Với "đơn hàng" này, các doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc, dù chưa từng làm.
Doanh nghiệp dệt may 'cấp cứu' khẩu trang - Ảnh 1.

Các nhân viên trong dây chuyền đang cấp tập sản xuất tại nhà máy ở Thái Nguyên ngày 6/2. (Ảnh: Ngọc Thành).

Từ một tuần nay, chị Toan - nhân viên tổ may của Xí nghiệp May Hưng Yên (thuộc Công ty Dệt Kim Đông Xuân) được điều động sang dây chuyền sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Đây là mặt hàng mới công ty này mới làm từ khi bùng phát dịch.

Giờ giải lao buổi trưa, chị và các công nhân trong dây chuyền sản xuất đều tranh thủ thời gian làm thêm, để kịp đủ số lượng sản phẩm khẩu trang trong ngày. 

"Phần lớn chúng tôi đều tăng ca gấp rưỡi. Tăng thu nhập nên ai cũng vui, tranh thủ làm", chị Toan chia sẻ.

Một dây chuyền sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn tương tự cũng được Công ty Dệt Kim Đông Xuân lập tại xí nghiệp may Hà Nội. 

Ông Trần Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, cho biết công ty không phải đơn vị chuyên về y tế. Nhưng trong bối cảnh khẩu trang có dấu hiệu khan hiếm, công ty đã ứng dụng công nghệ Nhật để sản xuất vải kháng khuẩn.

Doanh nghiệp dệt may 'cấp cứu' khẩu trang - Ảnh 2.

Nữ công nhân may khẩu trang từ vải nano kháng khuẩn. (Ảnh: Ngọc Thành).

Với lượng vải sản xuất và cung ứng 7-8 tấn mỗi ngày, Dệt Kim Đông Xuân và các công ty vệ tinh có thể sản xuất tương ứng trên dưới 300.000 khẩu trang mỗi ngày.

Cách đây hai ngày, vải dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân đã được chuyển tới Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định (Natexco) và Công ty cổ phần May Nam Định (Nagaco) và một phần cho Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco).

Làm mặt hàng mới như khẩu trang, Vinatex và các đơn vị thành viên phải sắp xếp lại dây chuyền may, đào tạo cho công nhân về kĩ thuật, cũng như chuyển giao thiết kế tới các đơn vị trong tập đoàn.

"Với một sản phẩm mới, công nhân phải mất khoảng 3 – 4 ngày để tập và làm quen với quy trình", ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex nói.

Vốn là doanh nghiệp làm hàng may mặc xuất khẩu, chuyên thời trang với hơn 12 nhà xưởng, 2.000 công nhân, Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG (Thái Nguyên) mới đây cũng vào cuộc giải cứu khi tham gia sản xuất khẩu trang từ vải nano.

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch TNG, cho biết mẫu khẩu trang nano kháng khuẩn được triển khai thực hiện chỉ trong 3 ngày từ thiết kế, xin tiêu chuẩn từ Bộ Y tế.

"Ba ngày nay lượng nguyên vật liệu để sản xuất quần áo được ưu tiên để làm khẩu trang. Các nhà máy của TNG ưu tiên các dây chuyền để sản xuất mặt hàng này phục vụ thị trường", ông Thời chia sẻ. 

Dự kiến những ngày tới sẽ cho ra 2 triệu chiếc giải quyết được cấp bách cho thị trường và có khả năng sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn.

Doanh nghiệp dệt may 'cấp cứu' khẩu trang - Ảnh 3.

Hoạ sĩ vẽ chi tiết và kích thước khẩu trang lên từng tấm vải rồi đưa vào máy cắt. (Ảnh: Ngọc Thành).

Hiện nhà máy phải tăng giờ làm, huy động tối đa công nhân để mỗi ngày xuất 20.000 chiếc. Trong thời gian này, doanh nghiệp sẽ kết hợp cùng Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên phát 1 triệu chiếc khẩu trang miễn phí cho người dân.

Nguyên liệu là mối lo ngại của không ít doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang, do phần lớn đều nhập khẩu. Tuy nhiên, đại diện Vinatex cho biết đã chủ động được lượng vải cho sản xuất và có thể điều chuyển trong nội bộ.

Theo ông Bùi Thế Kích - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Đồng Nai, doanh nghiệp này đang nâng công suất vải không dệt kháng khuẩn lên công suất tối đa, với khoảng 10 – 15 tấn vải sản xuất mỗi ngày. Mỗi 1 kg vải có thể làm ra 300 chiếc khẩu trang kháng khuẩn dùng 1 lần.

Với máy may chuyên dụng có thể sản xuất được 6.000 chiếc trong một giờ. Do đó, sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan, sốt hàng như thời gian qua.

"Chúng tôi đang nỗ lực từng giờ để nâng cao năng suất, nên sau khi ổn định sẽ nghiên cứu phục vụ các đơn hàng tại vùng dịch khác nếu có nhu cầu", ông Việt nhấn mạnh.

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết để sản xuất 10 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày như khuyến nghị của Bộ Y tế thì cần 400 tấn vải kháng khuẩn, và doanh nghiệp dệt may hoàn toàn đáp ứng được. Tuy nhiên, điểm nghẽn hiện nay là Bộ Y tế chưa ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn với mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn. 

Ông đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng ban hành để "người dân yên tâm sử dụng".

Ngày 6/2, đại diện Bộ Y tế khuyến cáo, không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế để phòng dịch nCoV. Thay vào đó, có thể sử dụng khẩu trang vải và giặt sạch mỗi ngày để tái sử dụng.


chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.