Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, ngay từ ngày đầu tiên có thông tin về dịch viêm phổi do virus corona, phía Vinatex đã nghiên cứu sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn và vải không dệt có kháng khuẩn, nhằm phục vụ sản xuất khẩu trang.
"Khẩu trang là mặt hàng mới, nên hai ngày vừa qua các doanh nghiệp đã tổ chức sắp xếp dây chuyền công nghệ, để có thể may được sản phẩm khẩu trang nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ", ông Trường chia sẻ.
Sản phẩm khẩu trang của Vinatex sản xuất bằng vải dệt kim có 2 lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoảng 30 lần giặt. Đặc biệt, giá bán lẻ của sản phẩm này chỉ 7.000 đồng/chiếc.
Ngoài ra, Tập đoàn dệt may yêu cầu khẩu trang được may ở địa phương nào thì cung ứng ngay tại địa phương đấy, tức là dùng mạng lưới doanh nghiệp dệt may phủ kín cả nước, để tạo ra các điểm sản xuất và cung ứng khẩu trang tại chỗ.
"Một số doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã sẵn sàng sản xuất và cung cấp khẩu trang, với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, để tránh tình trạng bị thổi giá khi thị trường khan hiếm," ông Trường nhấn mạnh.
Theo ông Lê Tiến Trường, trong 10 ngày tới, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên như May 10, Hanosimex, Tổng Công ty May Hưng Yên, Tổng công ty Dệt May Hòa Thọ, Dệt May Huế, May Đồng Nai… sẽ cấp phát miễn phí cho người lao động và nhân dân đến nửa triệu khẩu trang tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố, nơi có nhà máy, doanh nghiệp sản xuất.
Những ngày qua, nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang trong nước liên tục tăng ca, làm xuyên chủ nhật, thậm chí dồn toàn bộ dây chuyền khác để sản xuất khẩu trang. Không ít cơ sở cam kết theo đuổi mục tiêu không để thiếu khẩu trang trên thị trường, với giá cả phải chăng, thậm chí không lợi nhuận.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở phải thừa nhận đang gặp khó, vì vải và nhiều nguyên liệu khác được nhập từ Trung Quốc. Với sức mua thị trường hiện nay, nếu gắn gượng, dây chuyền sản xuất chỉ trụ được hết tháng này.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Vinatex khẳng định đến giờ phút này, ngành đã sản xuất được vải dệt kim kháng khuẩn, với quy mô từ 300.000-400.000 sản phẩm/ngày, riêng vải không dệt để sản xuất khẩu trang sử dụng một lần của Công ty may Đồng Nai cũng đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Những ngày đầu, do là mặt hàng mới, nên mỗi công nhân chỉ sản xuất trung bình được khoảng 100 sản phẩm/ngày. Tuy nhiên, đến nay đã nâng được công suất lên 300 - 400 sản phẩm/người/ngày.
Dự kiến, trong thời gian tới sẽ cung ứng được ra thị trường từ 300.000 - 400.000 khẩu trang/ngày, và phục vụ ngay tại địa phương, những nơi mà doanh nghiệp trú đóng", ông Trường cho biết.
Bộ Y tế cho rằng mọi người có thể dùng khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường. Chỉ với người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm corona hoặc những người đi vào ổ dịch, cần trang bị khẩu trang chuyên dụng N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.
Những ngày qua, báo chí liên tục phản ảnh việc nhiều nhà thuốc tại các quận trung tâm TP HCM hét giá khẩu trang "trên trời". Loại khẩu trang y tế thông thường được cho là có giá rẻ nhất lên đến 125.000 đồng/hộp 50 cái. Với các loại khẩu trang 3 lớp hay than hoạt tính, nhiều người phải "cắn răng" mua với giá trên 200.000 đồng/hộp.
Tuy nhiên, tại các khu vực ngoài thành TP HCM như quận 9, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi… nhiều tiệm thuốc vẫn giữ giá khẩu trang y tế không quá cao, chỉ từ 35.000 đồng/hộp. Ngoài ra, nhiều nhà thuốc, cá nhân và tổ chức cũng đang phát động phong trào phát khẩu trang miễn phí cho người dân.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020