Bác thông tin Mỹ tạm ngừng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết đã liên hệ, trao đổi với các cơ quan liên quan của Mỹ, và được biết phía Mỹ không có chủ trương tạm ngừng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc khẳng định thông tin lan truyền việc Mỹ đang áp dụng chính sách tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam là không chính xác.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã liên hệ, trao đổi với các cơ quan liên quan và được biết phía Mỹ không có chủ trương trên.

Bác thông tin Mỹ tạm ngừng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Hà Kim Ngọc bác thông tin cho rằng Mỹ đang tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam. (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, theo đại sứ, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu như hiện nay, việc sụt giảm các hoạt động thương mại, trong đó có lĩnh vực dệt may, là không thể tránh khỏi.

Tại Hoa Kỳ, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp, trung tâm bán lẻ lớn như Macy, TJ Max, Walmart, Target… đã thông báo tạm đóng, hoặc giảm thời gian mở cửa hàng cho đến cuối tháng 3.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết việc kinh tế khó khăn, nhu cầu mua sắm giảm của người tiêu dùng nước này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan. Do đó, nếu tình hình dịch bệnh tại Hoa Kỳ kéo dài, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhất định.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh, tiếp tục cố gắng tận dụng mọi cơ hội để duy trì sản xuất và xuất khẩu sản phẩm.

Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp rà soát lại chiến lược sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, nhân lực để thích ứng với tình hình mới, mở rộng tiếp cận các đối tác, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu, cùng chung tay với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức hiện nay.

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết thêm thời gian qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển với những kết quả tích cực. Chính phủ hai nước đã hợp tác rất chặt chẽ, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại theo hướng cân bằng, bền vững.

Ông khẳng định sẽ tiếp tục trao đổi với chính quyền sở tại, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam; tin tưởng rằng khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu thị trường sẽ phục hồi trở lại. Đó sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước, trong đó có Hoa Kỳ.

Lưu ý doanh nghiệp không gian lận xuất xứ nguồn gốc

Điều lưu ý đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống các hình thức gian lận nguồn gốc xuất xứ, lẩn tránh thuế… để không vi phạm các quy định liên quan của hai nước, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.

Bác thông tin Mỹ tạm ngừng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam - Ảnh 2.

Năm 2019, xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt gần 15 tỉ USD. (Ảnh: Thanh Niên).

Hoa Kỳ hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 

Số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 77,6 tỉ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 15 đối tác thương mại lớn nhất nước này.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, trong khi xuất khẩu sang một số thị trường khác giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng trưởng, đạt 10,26 tỉ USD, tăng 25,7%.

Đối với ngành dệt may của Việt Nam, đây là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Theo thống kê, năm 2019, xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt gần 15 tỉ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước.

2 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt 2,25 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kì năm trước, chiếm gần 48% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may cả nước. Riêng xuất khẩu giày dép các loại đạt 985 triệu USD, tăng 7,4%.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.