Đằng sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Nỗi lo lúc này là Nhà Trắng có thể sa đà vào trừng phạt, thay vì có chiến lược rõ ràng để giải quyết bất đồng giữa Mỹ và các đối tác thương mại

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã chính thức bắt đầu hôm 6-7 và nhiều khả năng còn kéo dài khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy dấu hiệu quyết đấu đến cùng.

Căng thẳng chiến lược

Không lâu sau khi hai bên đánh thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của nhau, giới chức Mỹ cho biết đang xem xét bước đi tương tự đối với 17 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc trong tháng tới - một động thái chắc chắn sẽ bị Bắc Kinh đáp trả tương xứng.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dự định "bắn phát súng thuế" tiếp theo sau khi tham khảo ý kiến các lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo Washington, bước đi này nhằm "trừng phạt Bắc Kinh vì đánh cắp sở hữu trí tuệ và công nghệ của công ty Mỹ".

Không dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tung thêm đòn - đánh thuế lên hơn 500 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - nếu Bắc Kinh tiếp tục trả đũa và không đáp ứng những đòi hỏi của ông.

Ngoài việc kêu gọi chỉnh sửa những tập quán thương mại bị xem là không công bằng của Trung Quốc, ông Trump còn đòi nước này giải quyết bài toán mất cân bằng thương mại nghiêm trọng.

Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của họ với Trung Quốc đạt mức 375,23 tỉ USD năm ngoái.

Dù vậy, những mục tiêu của vòng áp thuế đầu tiên phần nào nêu bật bất đồng thương mại Mỹ - Trung hiện nay không chỉ xoay quanh chuyện hạn chế xâm nhập thị trường, quyền sở hữu trí tuệ hoặc chênh lệch thương mại.

Sâu xa hơn, theo trang Bloomberg, lựa chọn của hai bên phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về kinh tế, quân sự, ảnh hưởng toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia có nhiều khác biệt về lập trường và tham vọng.

Căng thẳng chiến lược này nhiều khả năng chỉ tăng chứ không giảm bất kể cuộc đối đầu thuế hiện nay có kết cục ra sao.

Với việc đánh thuế lên những hàng hóa công nghệ cao của Bắc Kinh, Mỹ muốn gây sức ép lên chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" - một sáng kiến nhằm biến quốc gia đông dân nhất thế giới thành cường quốc sản xuất tiên tiến.

Ngoài ra, Washington còn dọa tăng cường "soi" hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và hạn chế cấp thị thực cho công dân nước này.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cố tình chọn mục tiêu là những nông sản Mỹ đến từ các bang có nhiều cử tri ủng hộ ông Trump nhằm chia rẽ họ.

Nhà lãnh đạo này và Đảng Cộng hòa chắc chắn phải lo ngại bởi họ không muốn thấy những tác động tiêu cực đến kinh tế và việc làm trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Không gì lạ khi một số thành viên Cộng hòa cho rằng Washington nên làm việc với các đồng minh để cô lập Bắc Kinh hơn là leo thang chiến tranh thương mại.

dang sau cuoc chien thuong mai my trung
Container hàng hóa được đưa lên một con tàu Trung Quốc tại cảng Long Beach ở bang California - Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tốn kém và vô ích

Bằng cách ra đòn thuế quan, Mỹ muốn sản phẩm Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng, công ty Mỹ với hy vọng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không còn bán được nhiều hàng như trước.

Dù vậy, tờ The New York Times nhận định con đường dẫn đến kết quả mong muốn của ông Trump vẫn còn mịt mù.

Bà Erin Ennis, Phó Chủ tịch cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, cho biết ngay cả những công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc dù đồng tình với những phàn nàn của ông chủ Nhà Trắng nhưng vẫn không tin biện pháp thuế quan sẽ khuất phục được Bắc Kinh.

Trong khi đó, số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy trong số 34 tỉ USD hàng hóa bị Mỹ áp thuế, 59% do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc.

Đáng chú ý là các công ty Mỹ chiếm một phần đáng kể trong danh sách này. Nhiều người tiêu dùng và một số ngành công nghiệp tại Mỹ, trong đó có những nông dân và nhà sản xuất nhỏ ủng hộ ông Trump, cũng đang bị vạ lây bởi cuộc đối đầu.

Nỗi lo lúc này là Nhà Trắng có thể sa đà vào trừng phạt thương mại, thay vì có chiến lược rõ ràng để giải quyết bất đồng giữa Mỹ và các đối tác thương mại, nhất là Trung Quốc.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định sự leo thang của cuộc chiến đồng nghĩa sẽ có cái giá về kinh tế và chính trị phải trả để đưa 2 bên trở lại bàn đàm phán.

Câu hỏi đặt ra là từ giờ cho đến đó, chuyện gì sẽ xảy ra với các thị trường tài chính, phản ứng của cử tri Mỹ và liệu kinh tế Trung Quốc có "thấm đòn" hay không.

Bi quan hơn, ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), cảnh báo chiến tranh thương mại do ông Trump phát động (với Trung Quốc và nhiều nước khác) sẽ là một cuộc chiến tốn kém và vô ích.

Trong trường hợp không bên nào chịu xuống thang, một cuộc chiến thương mại toàn cầu kéo dài có nguy cơ khiến kinh tế thế giới giảm tăng trưởng hoặc thậm chí rơi vào suy thoái.

Đến lượt Nga trả đũa Mỹ

Chính phủ Nga hôm 6/7 thông báo đánh thuế bổ sung một số hàng hóa công nghiệp của Mỹ, đồng thời cảnh báo trả đũa hơn nữa.

Trước mắt, mức thuế bổ sung từ 25% - 40% được áp dụng cho sợi quang, thiết bị dùng cho hoạt động làm đường sá, công nghiệp dầu khí, chế biến kim loại và khai thác mỏ.

Động thái trên diễn ra sau khi Washington đánh thuế nhập khẩu lên thép và nhôm nhập khẩu.

Bộ Kinh tế Nga cho biết hành động này của Mỹ khiến các công ty Nga tổn thất ước tính 87,6 triệu USD và Moscow buộc phải đánh thuế để bù đắp.

Nga là cái tên mới nhất tham gia cuộc chiến thương mại mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phát động với nhiều nước, trong đó nặng nề nhất là với Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh với 16 nước Trung và Đông Âu tại thủ đô Sofia - Bulgaria hôm 7/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh chiến tranh thương mại chưa bao giờ là giải pháp nhưng Bắc Kinh sẽ có hành động trả đũa tương xứng để bảo vệ lợi ích của mình.

Tại hội nghị diễn ra sau đó, ông Lý cam kết Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường, theo đuổi cải cách và tăng cường làm ăn với các đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, Thủ tướng Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh chỉ có thể hưởng lợi từ một châu Âu có nền kinh tế mạnh mẽ.

Phát biểu trên được cho là nhằm trấn an Liên minh châu Âu giữa lúc có nỗi lo việc Trung Quốc tăng cường "ve vãn" những quốc gia riêng lẻ có thể gây tổn hại đến khối này.

Theo Reuters, Bắc Kinh đã cam kết đầu tư nhiều tỉ USD vào các dự án ở miền Trung và Đông Âu trong chiến lược Vành đai và Con đường nhằm thúc đẩy những thị trường xuất khẩu mới.

dang sau cuoc chien thuong mai my trung Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng ra sao tới kinh tế Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng, cơ hội Việt Nam có được từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ nhiều hơn là thách thức.

dang sau cuoc chien thuong mai my trung Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu

Cách đây vài giờ, thuế nhập khẩu 25% của Mỹ lên số hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc chính thức có ...

dang sau cuoc chien thuong mai my trung Trump dọa đánh thuế hơn 500 tỷ USD hàng Trung Quốc

Canh bạc kinh tế của Mỹ có thể gây tác động lan truyền, khi chi phí với các công ty và người tiêu dùng toàn ...

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.