EVFTA sẽ đưa 1/5 thị phần xuất khẩu của Ấn Độ về Việt Nam

Ấn Độ lo rằng các ưu đãi về thuế đối với hàng hoá từ Việt Nam sẽ cuốn phăng sức hấp dẫn của hàng hoá nước này. Ấn Độ lại càng không có trong tay một FTA nào đủ lớn để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

"Hiệp định thương mại tự do được kí kết giữa cường quốc Đông Nam Á mới nổi Việt Nam và  27 thành viên Liên minh châu Âu (EU)" là những mĩ từ mà trang CNBC Ấn Độ dùng để miêu tả về Hiệp định tự do thương mại châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

Ấn Độ mất gần 1/5 lượng hàng xuất khẩu EU vào tay Việt Nam

Trang này thẳng thắn nhận định, EVFTA không tốt cho Ấn Độ, dựa trên khảo sát ý kiến của các nhà xuất khẩu và chuyên gia thương mại.

Đây là FTA đầu tiên được kí kết sau khi đại dịch Covid-19 toàn cầu bùng phát, dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với EU, đây là FTA thứ hai ở Đông Nam Á sau hiệp định với Singapore.

Các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho rằng họ đã mất thị phần tại thị trường EU với hơn hơn 447 triệu dân vào tay Việt Nam. Đáng nói, EU chiếm gần 1/5 số lượng hàng xuất đi của Ấn Độ.

"Ở nhiều phân khúc, Ấn Độ đang cạnh tranh chặt chẽ với Việt Nam. Vì Việt Nam đã kí một FTA, chúng tôi sẽ phải cẩn thận về xuất khẩu với EU trong một khoảng thời gian. Ấn Độ đã mất thị phần xuất khẩu về tay Việt Nam. Và do đó, nếu nói về giày dép, đồ da, đồ nội thất, trà và cà phê, đây là những ngành mà chúng ta sẽ chịu tác động.

Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hải, Việt Nam sẽ được ưu tiên thuế. Trong lĩnh vực may mặc, Ấn Độ sẽ cần phải trả 9% thuế tại EU, trong khi Việt Nam sẽ không phải trả bất kì nghĩa vụ thuế nào. Tôi chắc chắn rằng Việt Nam sẽ có thể tiếp cận thị trường ở EU nhiều hơn so với Ấn Độ", ông Ajay Sahai, Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành của Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), một cơ quan của các nhà xuất khẩu Ấn Độ, phân tích.

1/5 thị phần xuất khẩu của Ấn Độ sẽ rơi vào tay Việt Nam vì EVFTA  - Ảnh 1.

EVFTA mang đến tác động tích cực rất lớn cho nhóm hàng da giày, may mặc, dệt... của Việt Nam, vốn là những mặc hàng mà Ấn Độ vẫn thường xuyên xuất sang EU. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến ưa thích của nhiều công ty nước ngoài muốn đầu tư vào châu Á. Theo báo cáo do ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura công bố năm ngoái, trong số 56 công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2019, có 26 công ty đã quyết định thành lập cơ sở mới của họ tại Việt Nam.

Amitendu Palit, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, dự báo: "Vì vậy, một khi có FTA giữa EU và Việt Nam, các nhà sản xuất châu Âu có thể đầu tư vào quốc gia hình chữ S, và từ đó họ có thể xuất khẩu sang các thị trường khác ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả "kho vàng" tỉ dân Trung Quốc. Vì Trung Quốc và Việt Nam sẽ là một phần của một FTA lớn thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECP) sắp tới".

Ông nói thêm nếu nhiều dây chuyền sản xuất khác đa phần đều dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, điều đó có ý nghĩa đối với những doanh nghiệp sắp vào Việt Nam vì nhờ mối quan hệ hữu nghị, Việt Nam có thể tái xuất khẩu trở lại vào Trung Quốc. 

"Họ cũng có thể vào thị trường châu Âu thông qua FTA đã được kí kết, và họ cũng có thể truy cập vào phần còn lại của lãnh thổ rộng lớn thuộc RCEP FTA và cũng độc quyền thị trường ASEAN", vị này phân tích.

Ấn Độ hi vọng vào thị trường nội địa

Các nhà hoạch định chính sách thương mại ở Ấn Độ đã phải rối não để thảo luận kế hoạch thu hút các công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc, có thể "dời đô" sang đồng bằng Ấn - Hằng.

"Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các ưu đãi cần phải có về tài chính, vì Ấn Độ sẽ không thể sánh với Việt Nam về mức độ hiệu quả trong chi phí sản xuất, cũng như những gì liên quan đến việc mang lại khả năng truy cập vào các thị trường lớn trên toàn khu vực và thế giới", ông Palit nói thêm.

Theo Palit, lợi ích thương mại toàn cầu của Ấn Độ sẽ được bảo đảm rộng rãi nếu quốc gia này không "chia tay" với thỏa thuận thương mại lớn RCEP, mà ban đầu có 16 quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ.

1/5 thị phần xuất khẩu của Ấn Độ sẽ rơi vào tay Việt Nam vì EVFTA  - Ảnh 2.

Chia tay RCEP, Ấn Độ mất đi hàng tá đồng minh thương mại. (Đồ hoạ: Wikiwank).

"Ấn Độ đã phạm một sai lầm rất lớn khi không cam kết với RCEP FTA. Tôi biết rằng RCEP chủ yếu được xem như là một FTA với Trung Quốc. Nhưng ngày nay, nếu bạn nhìn vào các quốc gia mà Ấn Độ cố gắng xây dựng một liên minh hữu nghị đang tìm cách di dời các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, tất cả các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, New Zealand là một phần của RCEP.

Nếu Ấn Độ vẫn ở lại với RCEP, họ sẽ không phải tìm kiếm các quy tắc xuất xứ chung, mà sẽ tạo điều kiện cho phong trào di dời chuỗi cung ứng hiện nay. Nó sẽ có cùng một bộ quy tắc liên quan đến các tiêu chuẩn, đầu tư và các hàng rào phi thuế quan", Palit phê bình.

"Nói cách khác, Ấn Độ sẽ là một phần của một gia đình lớn hơn, và trong gia đình lớn hơn đó, nước này có thể đã tạo ra một lối đi riêng cho một gia đình nhỏ hơn", ông nói thêm.

1/5 thị phần xuất khẩu của Ấn Độ sẽ rơi vào tay Việt Nam vì EVFTA  - Ảnh 3.

Ấn Độ chỉ còn có thể dựa vào thị trường tỉ dân của mình để đẩy mạnh nội thương. (Ảnh: YouTube/Red Pill Vegan).

Palit đốc thúc Ấn Độ cần bắt đầu thực hiện các thỏa thuận thương mại song phương sớm nhất. Đơn thuốc của ông để đảm bảo lợi ích của Ấn Độ trong một thế giới hậu Covid-19 được đưa ra, vào thời điểm các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa nước này và EU, Australia, New Zealand vẫn chưa tìm thấy bất kì dấu hiệu khả quan nào.

"Ngày nay, những gì Ấn Độ cần làm là tham gia vào các thỏa thuận đối ứng sẽ phải được tạo ra theo kiểu song phương. Nhưng thật không may, tất cả các thỏa thuận song phương này có thể không nhất quán. Ấn Độ phải sống với hi vọng rằng sự hấp dẫn của thị trường nội địa sẽ đủ lớn, để một số lượng lớn các nhà đầu tư vượt qua những điểm không hoàn hảo này, và những cách kết nối chính sách không đồng bộ mà Ấn Độ có. Để từ đó, họ dám chọn Ấn Độ thay vì phần còn lại của thế giới", Palit kết luận.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.